Thanh Hóa: Hơn 1.000 doanh nghiệp thành lập mới, dự kiến tạo việc làm cho gần 8.000 lao động
Số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa 5 tháng đầu năm 2024 đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ...
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Thanh có 1.058 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 83 doanh nghiệp (tăng 8,5%) so với cùng kỳ, với số vốn điều lệ đăng ký 9.941,4 tỷ đồng, tăng 41,2%; vốn điều lệ đăng ký bình quân đạt 9,4 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 88%.
Số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm 2024 đứng thứ 8 cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và các tỉnh Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng. Với số lượng doanh nghiệp thành lập mới này, Thanh Hóa đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ, gấp 1,3 lần so với tỉnh Nghệ An; gấp 3,1 lần so với tỉnh Hà Tĩnh; gấp 5 lần so với tỉnh Quảng Bình; gấp 6,9 lần so với tỉnh Quảng Trị và gấp 3,3 lần so với tỉnh Thừa Thiên Huế.
Một số địa phương tại tỉnh này có số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao trên 50% kế hoạch, như: Huyện Thường Xuân đạt 80%, huyện Như Xuân đạt 73,3%, huyện Quan Sơn đạt 70%, huyện Nông Cống đạt 61,5%, huyện Quảng Xương đạt 55,6%, huyện Triệu Sơn đạt 53,3%, huyện Nga Sơn đạt 52%...
Trong số 1.058 doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, có 955 doanh nghiệp có số vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm 90,3%; 58 doanh nghiệp có số vốn đăng ký từ 10-20 tỷ đồng, chiếm 5,5%; 20 doanh nghiệp có số vốn đăng ký từ 20 - 50 tỷ đồng, chiếm 1,9%; 25 doanh nghiệp có số vốn đăng ký từ 50 tỷ đồng trở lên, chiếm 2,3%. Các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự kiến tạo việc làm cho 7.993 lao động, giảm 15,8% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.464 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 6%. Các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã nộp ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2024 là 5.738,1 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng thu nội địa, tăng 12% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm trên 97%); năng lực cạnh tranh hạn chế. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 25,1%, số giải thể tăng 56,3%, số thông báo giải thể tăng 139,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Để triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ và hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, triển khai thực hiện có hiệu quả về hỗ trợ chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp và hỗ trợ sử dụng chữ ký số cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024.
Sở này tổng hợp nhu cầu, lập dự toán kinh phí hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, gửi về Sở Tài chính để thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, phê duyệt theo quy định.
Sở Công Thương Thanh Hóa chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận thị trường xuất khẩu mới.
Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa chủ trì, tổng hợp nhu cầu, lập dự toán kinh phí hỗ trợ công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh, gửi về Sở Tài chính để thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, phê duyệt theo quy định.
Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa chủ trì, tổng hợp nhu cầu, lập dự toán kinh phí hỗ trợ công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh và lập dự toán kinh phí hỗ trợ chuyển đổi số và áp dụng công nghệ số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, gửi về Sở Tài chính để thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa chủ trì, tổng hợp nhu cầu, lập dự toán kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh, gửi về Sở Tài chính để thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, phê duyệt theo quy định.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Thanh Hóa chủ trì, tổng hợp nhu cầu, lập dự toán kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, gửi về Sở Tài chính để thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, phê duyệt theo quy định.
Cùng với đó, trung tâm này phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành, địa phương, doanh nghiệp để chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và trang thông tin điện tử của các ngành, địa phương đối với các doanh nghiệp chưa có trang thông tin điện tử, đảm bảo đúng đối tượng, nội dung, điều kiện, trình tự thực hiện theo quy định.
Sở Tài chính Thanh Hóa chủ trì, căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật, trên cơ sở đề nghị của các ngành, địa phương, đơn vị theo chỉ đạo nêu trên, tổ chức thẩm định kinh phí, trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, phê duyệt đảm bảo theo quy định; đồng thời, hướng dẫn các đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật.