Thanh Hóa: Sau chỉ đạo "nóng" tiến độ thực hiện hạ tầng cụm công nghiệp tích cực hơn
Với những phản ánh của cử tri về tình trạng tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tại Thanh Hóa đang chậm, hạ tầng một số cụm công nghiệp còn thiếu và chưa đồng bộ, lãnh đạo tỉnh này đã chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng, địa phương nghiêm túc thực hiện các giải pháp khắc phục....
Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, toàn tỉnh có 115 cụm công nghiệp với tổng diện tích 5.267,25 ha.
Việc đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp ì ạch tại địa phương này đã làm "nóng" nghị trường tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII diễn ra tháng 12/2023.
Để kịp thời khắc phục tình trạng hạ tầng cụm công nghiệp thiếu đồng bộ nêu trên, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, đã đề nghị UBND tỉnh, Sở Công Thương và các các sở, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện những cam kết về các giải pháp khắc phục tình trạng trên, đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung đã đề ra.
Ngay đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND về triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch nêu rõ, UBND tỉnh Thanh Hóa kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ mà nguyên nhân do chủ đầu tư không đủ năng lực hoặc không tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Chính vì vậy, tiến độ thực hiện hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh này đã tích cực hơn.
Cụ thể, tính đến hết tháng 4/2024, tỉnh Thanh Hóa có 45 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích 1.633,45 ha. Trong đó, có 2 cụm công nghiệp đã đầu tư hoàn thành 100% hạ tầng theo quyết định được duyệt, gồm: Cụm công nghiệp Thái Thắng ( huyện Hoằng Hóa), diện tích 30,7 ha, đã có 2 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với tổng diện tích 15,5 ha; Cụm công nghiệp thị trấn Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa), diện tích 17,64 ha, đã có 1 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với diện tích 12,16 ha.
Thanh Hóa có 4 cụm công nghiệp đã hoàn thành đầu tư hạ tầng giai đoạn 1, gồm có cụm công nghiệp Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) đã hoàn thành đầu tư hạ tầng với diện tích 14,4/19 ha, thu hút được 3 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với diện tích 4,3 ha.
Tiếp đến, cụm công nghiệp Bắc Hoằng Hóa (huyện Hoằng Hóa) đã hoàn thành đầu tư hạ tầng với diện tích 26,8/50 ha, thu hút được 7 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với diện tích 20,2 ha. Cụm công nghiệp thị trấn Quán Lào (huyện Yên Định) đã hoàn thành đầu tư hạ tầng với diện tích 10,2/72,96 ha, thu hút được 1 nhà đầu tư thứ cấp thuê đất với diện tích 10,2 ha. Cụm công nghiệp Thượng Ninh (huyện Như Xuân) đã cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng với diện tích 20/20 ha, chưa thu hút được nhà đầu tư thứ cấp.
Thanh Hóa hiện có 17 cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án hoặc theo giai đoạn, đang thực hiện các thủ tục thuê đất, giao đất và triển khai đầu tư xây dựng như: Cụm công nghiệp Đông Văn (huyện Đông Sơn); cụm công nghiệp Vĩnh Minh (huyện Vĩnh Lộc); cụm công nghiệp làng nghề Tiến Lộc (huyện Hậu Lộc); cụm công nghiệp Tư Sy (huyện Nga Sơn); cụm công nghiệp Xuân Hòa (huyện Như Xuân); cụm công nghiệp Điền Trung (huyện Bá Thước)...
Cùng với đó, tỉnh này 8 cụm công nghiệp đã hoàn thành thủ tục đầu tư, đang tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng.
Còn lại 14 cụm công nghiệp tại Thanh Hóa đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục đầu tư, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng.
Tại Kỳ họp thứ 17 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, trong phiên chất vấn, lãnh đạo Sở Công Thương Thanh Hóa đã lý giải về nguyên nhân dẫn tới tình trạng chậm đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp do cả khó khăn chủ quan lẫn khách quan.
Cụ thể, năng lực của một số chủ đầu tư còn yếu, chưa tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án, dẫn đến dự án phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần. Thêm nữa, một số cụm công nghiệp phải chờ quy hoạch xây dựng chung đô thị hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị thì mới lập và phê duyệt được quy hoạch chi tiết.
Nhiều nguyên nhân khác cùng được đại diện Sở Công Thương Thanh Hóa chỉ ra, như việc lập, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm chậm, dẫn đến hầu hết các cụm công nghiệp sau khi thành lập mất nhiều thời gian chờ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất mới hoàn thiện được hồ sơ trình HĐND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt danh mục sử dụng đất.
Một số cụm công nghiệp do thời gian giải phóng mặt bằng bị kéo dài, chậm bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thi công; việc xác định giá đất làm cơ sở cấp quyền sử dụng đất của một số cụm công nghiệp chậm dẫn đến chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.