Thanh Hóa trong mắt nhà đầu tư Hàn Quốc
Trong mắt nhiều doanh nhân người Hàn, Thanh Hóa là điểm đến đầu tư có đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nơi được xác định là có vị trí chiến lược với tiềm năng phát triển về mọi mặt, nhất là tiềm năng con người. Sự lựa chọn này thể hiện tầm nhìn chiến lược và triết lý kinh doanh riêng của họ, với truyền thống văn hóa mang đậm dấu ấn tư duy Đông Bắc Á – không đầu tư theo kiểu “ăn xổi ở thì”, không nhằm lợi ích trước mắt...
Hội nghị “Gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc”, do UBND tỉnh phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 24/3/2022 ngay tại địa phương với chủ đề “Hội tụ nguồn nhân lực, đẩy nhanh phục hồi và phát triển bền vững”, là cơ hội để nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc được “mắt thấy tai nghe” về tiềm năng hợp tác kinh doanh tại nơi được coi là “địa linh nhân kiệt” này.
Tại hội nghị, Ngài Đại sứ Park Noh-wan và đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc đã được thấy một Thanh Hóa với vị trí là tỉnh cực bắc của miền Trung, là hành lang kết nối toàn bộ miền Bắc với miền Trung và miền Nam, với cấu trúc địa lý tự nhiên đủ cả “rừng vàng biển bạc” và cơ sở hạ tầng đồng bộ, từ giao thông với đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy, rồi cảng sông, cảng biển, cảng hàng không, đến hệ thống điện và công nghệ thông tin cùng dịch vụ logistics, đủ sức đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, họ có dịp được hiểu thêm về nguồn lực con người xứ Thanh, với truyền thống hiếu học và nghị lực bứt phá vươn lên, mà họ coi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để đưa ra quyết định đầu tư.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng được truyền cảm hứng kinh doanh khi được biết tại Thanh Hóa hiện có hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, và hơn 2.300 dự án đầu tư trực tiếp với số vốn đăng ký khoảng 650 nghìn tỉ đồng, trong đó có 140 dự án đầu tư FDI với vốn đăng ký hơn 14,6 tỉ USD của các nhà đầu tư từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Anh, Australia, Bỉ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hàn Quốc, Hungary, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… mà nhờ thế, Thanh Hóa lọt vào top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về sức hút vốn FDI.
Con số 37 dự án mà các doanh nghiệp Hàn Quốc hoặc Hàn Quốc liên doanh với Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa (chiếm 26,5% tổng số các dự án FDI trên địa bàn) đang hoạt động thuận lợi và có hiệu quả là thực tế sinh động khuyến khích các nhà đầu tư Hàn Quốc đổ thêm tiền vốn và công nghệ vào địa bàn này.
Đối với Việt Nam, Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu về đầu tư, với tổng số vốn FDI lũy kế là 74,7 tỷ USD, là đối tác lớn thư hai về cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), về thị trường lao động xuất khẩu và thị trường khách du lịch, và là đối tác thương mại lớn thứ ba, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 78 tỷ USD.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc có mặt tại nhiều địa phương của Việt Nam mà chỉ riêng ở Thanh Hóa, số vốn đăng ký đầu tư và đang thực hiện đã là 1,6 tỉ USD, chiếm 11% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn, với dự án nổi bật là Nhiệt điện Nghi Sơn II liên doanh với Nhật Bản, trong đó vốn đầu tư của Hàn Quốc là 1,39 tỉ USD.
Hội nghị “Gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc” là sự kiện hướng tới kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022), là điểm kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc với các đối tác tại địa phương, mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác đầu tư giữa hai bên.
Đây là cách tiếp cận đúng hướng, phù hợp với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài theo tinh thần hai bên cùng có lợi mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra.
Trong mắt nhiều doanh nhân người Hàn, Thanh Hóa là điểm đến đầu tư có đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nơi được xác định là có vị trí chiến lược với tiềm năng phát triển về mọi mặt, nhất là tiềm năng con người. Sự lựa chọn này thể hiện tầm nhìn chiến lược và triết lý kinh doanh riêng của họ, với truyền thống văn hóa mang đậm dấu ấn tư duy Đông Bắc Á – không đầu tư theo kiểu “ăn xổi ở thì”, không nhằm lợi ích trước mắt.
Thanh Hóa là một trong số ít các địa phương được các nhà đầu tư Hàn Quốc “chọn mặt gửi vàng”.
Xét về hiệu quả đầu tư FDI tại Việt Nam, có lẽ các doanh nghiệp Hàn Quốc được đánh giá là thành công nhất mà Tập đoàn Sam Sung là một ví dụ điển hình. Trong nhiều năm gần đây, chỉ riêng tập đoàn này bình quân đã chiếm trên dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam.
Thành công ấy có được trước hết là nhờ điểm tựa vững vàng – quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt chính là sự tin cậy chính trị giữa hai bên, tin cậy nhau thực sự, không gợn một chút hồ nghi.
Trên nền tảng của mối quan hệ ấy, các đối tác của hai nước gặp gỡ nhau, giao tiếp với nhau và hợp tác trên tinh thần hai bên cùng có lợi, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính thường nhắc đến mỗi khi có dịp gặp gỡ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc có đủ căn cứ để vững tin khi quyết định đầu tư tại các địa phương của Việt Nam mà Thanh Hóa là một địa bàn được họ nhìn nhận là đầy tiềm năng.