Thanh khoản đột ngột bốc hơi, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán lao dốc nặng
Bảng điện khớp “chập chờn” trong cả phiên hôm nay khi cả bên mua lẫn bên bán đều chán. Dòng tiền rút lui một cách rõ ràng khiến bên bán chiếm ưu thế về giá nhưng thanh khoản cực thấp. Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX cả ngày chỉ đạt hơn 11 ngàn tỷ, thấp kỷ lục 20 phiên. May mắn là hai trụ VHM, VIC vẫn đang “giảm xóc” cho chỉ số...
Bảng điện khớp “chập chờn” trong cả phiên hôm nay khi cả bên mua lẫn bên bán đều chán. Dòng tiền rút lui một cách rõ ràng khiến bên bán chiếm ưu thế về giá nhưng thanh khoản cực thấp. Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX cả ngày chỉ đạt hơn 11 ngàn tỷ, thấp kỷ lục 20 phiên. May mắn là hai trụ VHM, VIC vẫn đang “giảm xóc” cho chỉ số.
Ngưỡng giao dịch này gợi nhớ lại thanh khoản trong tuần cuối tháng 10 khi xuất hiện liên tục các phiên khớp lệnh chỉ tầm 10-11 ngàn tỷ đồng. HoSE hôm nay ghi nhận phiên thanh khoản dưới 10 ngàn tỷ đồng đầu tiên kể từ ngày 30/10.
VN-Index đóng cửa giảm 0,69%, VN30 giảm 0,82%, Midcap giảm 1,66%, Smallcap giảm 0,67%. Điều may mắn cho VN-Index là trong nhóm trụ, duy nhất BID giảm 1,49% trong khi vẫn còn VIC tăng 1,21% và VHM tăng 1,79%.
Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index ngoài VIC, VHM tăng, VPB tham chiếu, còn lại đều đỏ. BID là cổ phiếu trụ duy nhất giảm hơn 1%, còn lại VCB giảm 0,23%, GAS giảm 0,9%, HPG giảm 0,38%, VNM giảm 0,29%, CTG giảm 0,68% và FPT giảm 0,55%. Biên độ giảm khá nhẹ ở nhóm vốn hóa dẫn dắt là một lợi thế nâng đỡ chỉ số. Chốt phiên hôm nay tại mốc 1.088,06 điểm. VN-Index cũng chưa thấp hơn mức đáy phiên cuối tuần trước và tương đương nhịp nghỉ đi ngang sau phiên thoát đáy đầu tháng 11.
Nhóm cổ phiếu tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán hôm nay yếu đáng chú ý. Chỉ số VNFIN giảm tới 1,55%, VNFILEAD giảm 1,9%, VNFINSELECT giảm 1,55%. Các chỉ số này bao gồm chủ yếu các mã thuộc hai nhóm này. Dẫn đầu nhóm kéo tụt điểm số cũng là 3 cổ phiếu ngân hàng: BID giảm 1,49%, TCB giảm 2,5% và STB giảm 3,18%. Trong toàn bộ 27 cổ phiếu ngân hàng, chỉ sót lại NVB tăng 0,93% và NAB tăng 0,72% nhưng thực chất cũng chỉ là 1 bước giá trên tham chiếu. Tới 12 mã trong nhóm ngân hàng giảm quá 1% hôm nay, bao gồm cả các blue-chips như TPB, VIB, SHB, MBB, HDB.
Nhóm chứng khoán cũng rất tệ, chỉ sót lại PHS, TCI, VFS là tăng, còn tới 23 mã giảm trên 2%, trong đó có cả FTS, HCM, MBS, CTS, SSI, VND, VCI. Thậm chí các mã hàng đầu như SSI, VND, VCI còn giảm trên 3%.
Tổng thanh khoản khớp lệnh hai sàn hôm nay giảm tới 45% so với phiên cuối tuần trước, chỉ đạt 11.016 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng, chứng khoán nhiều mã vẫn có thanh khoản khá lớn và mức giảm giảm sâu, thể hiện áp lực bán tương đối mạnh. STB và SSI đang dẫn đầu thị trường về giao dịch, với tương ứng 547,6 tỷ và 473,3 tỷ đồng. HoSE hiện có 30 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên – nhóm này chiếm 66,4% tổng giá trị khớp của sàn – thì có 10 mã nhóm chứng khoán và ngân hàng. Thêm nữa trong 30 cổ phiếu nói trên chỉ có 5 mã tăng, còn lại toàn giảm. Như vậy ở nhóm tập trung thanh khoản cao nhất, áp lực giảm giá là rõ ràng, bên bán chiếm ưu thế.
Độ rộng của VN-Index lúc chốt phiên khá xấu với 165 mã tăng/351 mã giảm, trong đó 155 mã giảm trên 1%. Thanh khoản của nhóm giảm sâu nhất này chiếm 65,6% giá trị sàn. Ngoài các mã ngân hàng, chứng khoán, nhiều cổ phiếu khác cũng sụt giảm đáng chú ý như NVL giảm 1,42% với 401,5 tỷ đồng thanh khoản; DIG giảm 3,4% với 319,3 tỷ; PDR giảm 3,1% với 219,5 tỷ; DXG giảm 3% với 212,6 tỷ; GEX giảm 2,75% với 211,3 tỷ; MWG giảm 1,43% với 201 tỷ, NKG giảm 1,36% với 197 tỷ; HHV giảm 2,01% với 134,5 tỷ…
Khối ngoại hôm nay cũng giao dịch khá yếu, mua vào 726,3 tỷ đồng và bán ra 587,5 tỷ đồng trên HoSE, tương ứng mua ròng nhẹ 39,8 tỷ đồng. Nhóm mua nhiều nhất là HPG +72,7 tỷ, VPB +32,8 tỷ, PVD +32,7 tỷ, SAB +24,1 tỷ, VIC +20,9 tỷ. Phía bán có SSI +47,3 tỷ là đáng kể nhất.
Thanh khoản sụt giảm đột biến hôm nay là một thay đổi bất thường khi tuần trước liên tiếp có các phiên khớp trên 20 ngàn tỷ/ngày và mức trung bình tuần là 18.538 tỷ đồng/phiên. Hiện tượng sụt giảm này chỉ có thể là do bên mua đã chững lại, khiến lực đỡ giá vùng quanh tham chiếu yếu đi nhiều, dẫn tới biên độ giảm giá cổ phiếu mở rộng.