Thanh khoản tăng mạnh, dòng tiền lớn chính thức nhập cuộc?
Thông thường để dòng tiền lớn quay lại dựa vào tình hình vĩ mô ổn định. Nếu không có bất kỳ căng thẳng địa chính trị nào trong thời gian ngắn hạn này thì có thể kỳ vọng đến hết tháng 12 dòng tiền lớn sẽ nhập cuộc...
Thanh khoản toàn thị trường và tỷ trọng giá trị giao dịch của 2 nhóm nhà đầu tư tích cực nhất trên thị trường chứng khoán gồm nhà đầu tư cá nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được coi là chỉ báo để biết được tiền lớn đã nhập cuộc hay chưa.
Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân phiên tính trên cả 3 sàn trong tuần vừa qua 30/10-3/11/2023 ở mức 15.885 tỷ đồng, giảm 3,5% so với tuần trước và giảm 11,9% so với trung bình 5 tuần. Riêng với HOSE, giá trị giao dịch bình quân chạm mức thấp nhất theo tuần kể từ cuối tháng 5/2023.
Xem theo nhóm nhà đầu tư, dòng tiền từ cá nhân vẫn đóng vai trò chủ đạo chiếm 81,1% tổng giá trị giao dịch trên HOSE (chỉ tính khớp lệnh), giảm dần từ mức đỉnh 90% trong tuần cuối tháng 9/2023. Ngoài ra, nhóm này có 3/5 phiên bán ròng với giá trị bán ròng trong tuần cuối tháng 10 - đầu tháng 11 ở mức 1.363 tỷ đồng.
Khối ngoại ghi nhận giao dịch đột biến trong tuần vừa qua cả về thanh khoản lẫn giá trị mua ròng, nhưng quy mô giao dịch (mua+bán) của nhóm nhà đầu tư này chiếm tỷ trọng nhỏ dưới 10% tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE. Trong tuần 30/10 - 3/11, khối ngoại mua ròng gần 1.124 tỷ đồng khá đột biến so với mức bán ròng 2.615 tỷ đồng trong tuần liền kề trước đó.
"Như vậy, thanh khoản liên tục thiết lập mức đáy nhiều tuần/nhiều tháng và lực cầu khá yếu từ nhà đầu tư cá nhân cho thấy chưa có dấu hiệu tiền lớn tham gia trong các phiên gần đây", theo FiinTrade.
Vậy khi nào dòng tiền lớn mới nhập cuộc? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng, thông thường để dòng tiền lớn quay lại dựa vào tình hình vĩ mô ổn định. Nếu không có bất kỳ căng thẳng địa chính trị nào trong thời gian ngắn hạn này thì có thể kỳ vọng đến hết tháng 12 dòng tiền lớn sẽ nhập cuộc.
Thứ nhất, trong cuộc họp vừa rồi của Fed vẫn ngụ ý khả năng có thêm một đợt tăng lãi suất nữa xác suất sẽ diễn ra trong tháng 12. Nếu Fed tăng lãi suất sẽ gây ra áp lực tỷ giá, lợi suất trái phiếu tăng trở lại, thị trường sẽ biến động mạnh và đây là rào cản khiến dòng tiền lớn e ngại ở thời điểm hiện tại.
Thứ hai, mặc dù định giá thị trường đang hấp dẫn, PB của ngân hàng và bất động sản đang khá thấp nhưng căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông vẫn là mối lo lắng của nhà đầu tư. Nhìn lại thời điểm năm 2022 khi xảy ra chiến sự Ukraine - Nga, thanh khoản cũng xuống mức thấp, thị trường giảm liên tục, đến tháng 11 dòng tiền lớn mới nhập cuộc trở lại. Chiến sự khi đó chưa kết thúc nhưng sự quan tâm của mọi người đã giảm dần, không ai để ý.
"Giờ chiến sự ở Gaza xảy ra, bức tranh chưa rõ sáng tối thế nào nên dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài nhìn và chờ đợi tạm lắng. Và liệu có gia tăng hay không vẫn phải chờ ít nhất đến hết tháng 12 sau cuộc họp của Fed", ông Nguyễn Thế Minh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Minh, diễn biến thị trường trong ngắn hạn vẫn đi ngang và có thể đi lên nhờ định giá rẻ, lợi suất trái phiếu, tỷ giá hạ nhiệt. Hiện tại thông tin cuộc họp của Fed vừa qua vẫn có thể hỗ trợ tích cực. Vn-index sẽ có nhịp hồi nhưng đến tháng 12 vẫn đối diện áp lực giảm trở lại. Tổng thể từ nay tới cuối năm chỉ biến động quanh vùng 1.100 điểm.
Với sóng hồi ngắn hạn nhà đầu tư vẫn có thể tận dụng để tìm kiếm cơ hội, tỷ trọng cổ phiếu cao canh lướt để hạ bớt. Nhưng với view trung hạn thì nhà đầu tư tạm thời chưa nên gia tăng, thị trường chưa có cơ hội lớn để thị trường tạo sóng như tháng 5 và tháng 8.
SGI Capital cho rằng, khi nhà đầu tư nước ngoài giảm áp lực bán ròng, dòng tiền sẽ quay lại tìm kiếm cơ hội trên thị trường chứng khoán nhờ tâm lý nhà đầu tư được giải toả lo lắng về lãi suất và tỷ giá, định giá đã bước vào vùng rẻ so với lịch sử, và kỳ vọng phục hồi kinh tế hiện thực hơn khi lãi suất thấp sẽ dần tác động tích cực lên tổng cầu.
Trong khi đó, ở góc nhìn khác, theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank cho rằng, dòng tiền lớn nhiều khả năng đã đổ vào thị trường từ cuối năm 2022 với tốc độ giải ngân dần đều. Đặc điểm của tiền lớn không giống với dòng tiền của cá nhân, họ sẽ chia ra giải ngân từ từ theo khu vực, không giải ngân theo điểm số giống như nhỏ lẻ. Giải ngân của nhóm này cũng tính theo cả chu kỳ dài chứ không theo chu kỳ ngắn như cá nhân, ví dụ 100 triệu giải ngân khác với 100 tỷ đô...
Hai kỳ vọng chính để tiền lớn giải ngân trong giai đoạn này gồm: Câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi dự kiến diễn ra trong năm 2024-2025; Kinh tế đang trong chu kỳ hồi phục và tăng trưởng trở lại.
Chưa kể, nhà đầu tư nắm giữ tiền lớn cũng không chỉ giải ngân trực tiếp mua bán khớp lệnh trên sàn mà họ giao dịch thỏa thuận với những deal lớn hơn với khối lượng lớn hơn. Có những cổ phiếu mỗi phiên giao dịch thanh khoản chỉ 100- 200 nghìn khối lượng cổ phiếu nhưng họ muốn mua 10 triệu thì phải rải ra chia đều trong một chu kỳ mấy tháng.
Đánh giá xu thế thị trường trong những tháng cuối năm, theo Giám đốc tư vấn của Maybank, thị trường có thể hồi phục trong ngắn hạn nhưng áp lực giảm vẫn còn đó nhưng xác suất giảm mạnh thấp. Thị trường chủ yếu đi ngang và tích lũy trong vòng 1-2 tháng tới.