Thanh khoản toàn thị trường sụt giảm, dòng tiền đang chảy vào nhóm cổ phiếu nào?
Đối với các nhóm ngành trụ cột trên thị trường, dòng tiền chỉ chạy vào nhóm Ngân hàng với thanh khoản tăng 8% so với tháng trước, trong khi dòng tiền chảy ra khỏi nhóm Bất động sản (-23%) và Chứng khoán (-12%)...
Việt Nam trụ vững 3 tháng đầu năm 2022 trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu đi xuống. Nhưng sau đó, sự sụt giảm mạnh trong tháng 4 vừa qua đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong số các thị trường chứng khoán diễn biễn kém nhất trong tháng 4/2022 và kể từ đầu năm.
Chỉ số Dow Jones giảm 4,0% so với đầu tháng trong khi các thị trường Đông Nam Á diễn biến tích cực hơn, chỉ số JCI Indonesia (+ 2,0% so với đầu tháng), chỉ số FBMKLCI Malaysia (+ 0,3% so với đầu tháng), chỉ số PCOMP của Philippines (-2,5% so với đầu tháng), chỉ số SET của Thái Lan (-1,0% so với đầu tháng) và chỉ số STI của Singapore (-2,0% so với đầu tháng).
Trong đó, Vn-Index giảm mạnh 12,5% so với đầu năm, ngay trên mức giảm của Chỉ số MXEF (-12,7% sv đầu năm) – chỉ số MSCI của thị trường mới nổi.
Thống kê của VnDirect cho thấy, giá trị giao dịch trung bình trên 3 sàn giảm 12,0% so với đầu tháng xuống 27,957 tỷ đồng tuy nhiên vẫn tăng 22,2% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị giao dịch bình quân trên HoSE đạt 23.701 tỷ đồng/ngày giao dịch giảm 9% so với đầu tháng; HNX đạt 2.694 tỷ đồng/ngày giao dịch giảm 28,1% so với cùng kỳ; UPCoM đạt 1.562 tỷ đồng/ngày giao dịch giảm 21,5% so với cùng kỳ.
Thanh khoản thị trường sụt giảm do tâm lý thị trường trở nên tiêu cực sau khi một số lãnh đạo Tập đoàn lớn vướng vòng lao lý và động thái của Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cho vay đối với các “lĩnh vực nóng” bất động sản” và “chứng khoán”.
Cả chỉ số VNSML (vốn hóa nhỏ) và chỉ số VNMID (vốn hóa trung bình) lần lượt giảm 22,5% và 18,6% trong tháng 4, có thể là do áp lực giải chấp lớn hơn đối với nhóm cổ phiếu đầu cơ. Chỉ số VN30 (vốn hóa lớn) giảm 9,4% kể từ đầu tháng, nhẹ hơn mức trung bình của thị trường.
Giá trị giao dịch bình quân phiên tăng đối với nhóm VN30 (3,8% so với tháng trước) trong khi dòng tiền chạy khỏi các cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ, lần lượt giảm 16,4% so với tháng trước và 21,0% so với tháng trước. Tuy nhiên, giá trị giao dịch của VN30 chỉ chiếm 37% giá trị giao dịch toàn thị trường trong tháng 4/2022, thấp hơn nhiều so với mức 48% của năm 2021.
Trong bối cảnh thị trường giảm mạnh, chỉ có nhóm ngành Công nghệ thông tin, Bán lẻ, Khí đốt và Ngân hàng chứng kiến thanh khoản cải thiện trong tháng 4. Theo đó, giá trị giao dịch bình quân phiên của các ngành Công nghệ thông tin, Bán lẻ, Cung cấp khí đốt tăng lần lượt 76%, 69% và 17% so với tháng
trước.
Mặt khác, dòng tiền tháo chạy nhiều nhất khỏi ngành Thép, Dầu khí và Vật liệu xây dựng trong tháng 4, khiến thanh khoản ở các ngành này sụt giảm lần lượt 45%/43%/29% (số liệu ngày 25/04/2022).
Đối với các nhóm ngành trụ cột trên thị trường, dòng tiền chỉ chạy vào nhóm Ngân hàng với thanh khoản tăng 8% so với tháng trước, trong khi dòng tiền chảy ra khỏi nhóm Bất động sản (-23% so với tháng trước) và Chứng khoán (-12% so với tháng trước).
Về mặt điểm số, nhóm Xây dựng giảm 25,0% so với đầu tháng, trở thành ngành giảm mạnh nhất trong T4/22 do lo ngại về giá vật liệu xây dựng tăng làm giảm biên lợi nhuận gộp.
Dầu khí giảm 22,0% sv đầu tháng do giá dầu thô điều chỉnh giảm. Các ngành
kém khả quan khác là Thép (-12,8% so với đầu tháng), Bất động sản (-14,8%), Hóa chất (-15,8%), Vật liệu xây dựng (-19,3%), Ô tô (-21,0%) và Chứng khoán (-21,0 %).
Các nhóm ngành phòng thủ, bao gồm thực phẩm đồ uống, cung cấp nước và khí đốt, bảo hiểm, dịch vụ y tế, điện có mức giảm nhẹ hơn so với mức trung bình của thị trường. Lĩnh vực bán lẻ giảm 4,6% sv đầu tháng mặc dù triển vọng kinh doanh cải thiện nhờ tiêu thụ nội địa phục hồi. Du lịch & giải trí, bao gồm cả cổ phiếu hàng không, giảm 10,4% sv đầu tháng bất chấp sự phục hồi ấn tượng của hoạt động hàng không và du lịch trong hai tháng qua.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã quay sang mua ròng với giá trị 3.439 tỷ đồng trong tháng 4 (tại thời điểm 25/04/2022), so với giá trị bán ròng 3.646 tỷ đồng tháng 3. 43,6% tổng giá trị được đóng góp bởi giao dịch thỏa thuận của MWG với 1.498 tỷ đồng. Việc nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy họ vẫn tin tưởng vào triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những quý tới và định giá thị trường đã trở lại mức hấp dẫn.
Luỹ kế trong 4 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 3.176 tỷ đồng giảm 77,5% so với cùng kỳ.