Thành lập Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật Bản tại Hà Nội
Sự ra đời của Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật Bản tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam liên kết sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, thế hệ mới, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của Nhật Bản...
Ngày 20/2, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), Tập đoàn N&G và 10 doanh nghiệp hội viên Mạng lưới ngành hàng không vùng Kobe (KAN) - Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp tác thành lập Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật Bản. Dự lễ ký kết có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.
Sự ra đời của Tổ hợp Techno Park Việt Nam - Nhật Bản tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội là cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam liên kết sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, thế hệ mới, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của Nhật Bản.
Các bên đã chia sẻ về định hướng hợp tác phát triển, đầu tư, sản xuất thiết bị điện, thiết bị cơ khí chính xác cho ngành hàng không vũ trụ...; đào tạo lao động kỹ thuật cao, điều hành quản lý, chuyển giao công nghệ... phục vụ cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn N&G cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư sản xuất tại Khu công nghiệp Nam Hà Nội sẽ được đáp ứng đầy đủ hạ tầng tiện ích (khu nhà xưởng tiêu chuẩn Nhật Bản và quốc tế, khu nhà ở công nhân - chuyên gia, trung tâm y tế, giáo dục, trong đó, có học viện đào tạo lao động liên kết với hàng chục trường đại học, cao đẳng kỹ thuật tại Hà Nội, khu thể thao, trung tâm thương mại, logistics, ngân hàng, hải quan…).
Tập đoàn N&G còn có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, ưu đãi về giá thuê đất, thuê nhà xưởng, dịch vụ "một cửa"...
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong định hướng thời gian tới, thành phố Hà Nội dự kiến phát triển thêm 15 khu công nghiệp theo các đường vành đai và trục trung tâm để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
“Thành phố Hà Nội sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời, cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính, cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.
Được biết, năm 2023, tình hình đầu tư Nhật Bản vào Hà Nội cũng như nhiều địa phương của Việt Nam thấp hơn dự báo. Tổng vốn đầu tư FDI của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong năm 2023 sụt giảm khoảng 32,5% do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và sự mất giá của đồng yên.
Tuy nhiên, số lượng dự án FDI Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam lại tăng 23,3%. Riêng lượng khách đến Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản – JETRO để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục tăng cao. Điều này cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn dành sự quan tâm rất cao đến thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, 56,7% doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát cho biết họ có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới. Con số này cao hơn mức trung bình của ASEAN là 47,5% và chỉ đứng sau Lào (63,3%).