Thanh tra tài chính kiến nghị xử lý trên 107.000 tỷ đồng, tăng vọt so với cùng kỳ
Năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị thanh tra chuyên ngành thuộc bộ kiến nghị xử lý 107.014 tỷ đồng, tăng vọt so với cùng kỳ. Công tác thanh kiểm tra tập trung vào nhiều vấn đề nhức nhối liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hay khiếu nại về bảo hiểm...
Thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra tài chính năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Thanh Bình cho biết trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các đơn vị xây dựng, hoàn thiện quy định về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và khẩn trương tiến hành thanh tra theo kế hoạch được phê duyệt.
Kết quả trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ đã thực hiện 78.213 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 748.399 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và 1.124 hồ sơ kiểm tra sau thông quan. Kiến nghị xử lý tài chính 107.014 tỷ đồng; số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ là 17.270 tỷ đồng.
Trong đó, riêng Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện 30 cuộc thanh tra và 3 cuộc kiểm tra theo kế hoạch, trong đó có 1 cuộc kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo.
Sau các cuộc thanh kiểm tra, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị xử lý tài chính 22.081 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước 1.840 tỷ đồng.
So sánh với cùng kỳ năm 2022, trong khi số cuộc thanh kiểm tra tương đương thì số lượng hồ sơ khai thuế bị kiểm tra tại trụ sở cơ quan tăng vọt; kiến nghị xử lý tài chính sau thanh kiểm tra tăng khoảng 30% cùng kỳ, thu nộp ngân sách nhà nước cũng tăng tương ứng.
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được lãnh đạo Bộ quan tâm chỉ đạo sát sao và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giải quyết thoả đáng lợi ích của các tổ chức, cá nhân đến khiếu nại, tố cáo; đảm bảo xử lý đơn thư kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo công bằng, dân chủ đúng quy định của pháp luật.
Năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tiếp công dân tại trụ sở 404 lượt với 643 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thanh tra Bộ bố trí cán bộ tiếp dân và trực điện thoại đường dây nóng đảm bảo tiếp nhận đầy đủ các ý kiến của công dân với tinh thần hướng dẫn tận tình, chu đáo.
Trong năm 2023, tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại đạt tới 90% (789 vụ việc/854 vụ việc), tỷ lệ giải quyết đơn tố cáo đạt tới 98,5% (590 vụ việc/599 vụ việc tố cáo).
"Các vấn đề khiếu nại chủ yếu liên quan tới việc thu thuế, ấn định thuế; chính sách về đền bù giải tỏa đất đai, đề nghị thanh toán nợ dân; tranh chấp trong lĩnh vực chứng khoán, thanh toán tiền mua bảo hiểm", Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính thông tin.
Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng luôn được Thanh tra Bộ chú trọng, tích cực tuyên truyền, chủ động phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công chức trong công tác.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc bộ, qua đó giúp các đơn vị định hướng rõ nội dung, lĩnh vực cần tập trung thanh tra, chú trọng đến các lĩnh vực có khả năng xảy ra gian lận làm thất thu ngân sách, đảm bảo việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá, trong năm 2023, Thanh tra Bộ Tài chính hoàn thành khối lượng công việc lớn với chất lượng cao, kịp thời phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của bộ, của Chính phủ.
“Công tác thanh tra, kiểm tra ngành tài chính đáp ứng kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính và Chính phủ đối với các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm như: tăng cường quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; tăng cường công tác kiểm tra giám sát với các công ty bảo hiểm", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nêu rõ.
Bên cạnh đó là tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; phân tích rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử thông qua việc triển khai hóa đơn điện tử, chuyển đổi số, áp dụng trí tuệ nhân tạo...
Trong năm 2024, Thứ trưởng đề nghị Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra thuộc bộ tiếp tục kịp thời phát hiện những sơ hở, “lỗ hổng” trong công tác quản lý. Đồng thời, đề xuất, tham mưu, kiến nghị với lãnh đạo bộ các giải pháp nhằm khắc phục và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trong hệ thống thanh tra tài chính tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phân tích rủi ro, lựa chọn đối tượng và tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra nội ngành, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm, đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, xử lý sau thanh tra.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất sửa đổi các quy định, hướng dẫn trong ngành về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng nhằm góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuẩn hóa nghiệp vụ, tăng cường trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước...