Thay đổi thói quen nông dân: Nhìn từ sàn cà phê

Chia sẻ

Khối lượng và giá trị cà phê giao dịch qua sàn còn thua xa một đại lý cà phê cỡ nhỏ ở cấp huyện

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải gõ chiêng ngày khai trương sàn giao dịch cà phê vào cuối năm ngoái - Ảnh: Hồng Văn.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải gõ chiêng ngày khai trương sàn giao dịch cà phê vào cuối năm ngoái - Ảnh: Hồng Văn.
Việc Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) với vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng mở cửa cuối năm ngoái đã dây lên hy vọng đây sẽ là  mô hình mẫu, giúp phá bỏ tập quán mua bán nông thủy sản theo lối mòn bao năm qua của nông dân Việt Nam bắt đầu từ hạt cà phê.

Thế nhưng, sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động mới thấy rằng thay đổi tập quán của nông dân, lẫn doanh nghiệp không hề đơn giản chút nào.

Trường hợp BCEC gợi lại những câu chuyện trước đây, khi nhiều sàn giao dịch nông thủy sản được nhà nước tốn tiền tỉ xây dựng nhưng đã phải “chết yểu” như sàn giao dịch thủy sản Cần Giờ, sàn giao dịch hạt điều, rồi một loạt chợ đầu mối nông sản chỉ còn lại hệ thống kho chứa.

Giao dịch 4 tháng, hơn 1 tỉ đồng

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC), cho biết trong 3 tháng đầu năm nay chỉ có 2 phiên giao dịch với sản lượng vài chục tấn nhưng riêng tháng 4 này đã có nhiều phiên thành công, như trong ngày 24/4, lượng cà phê giao dịch qua sàn đạt giá trị hơn 220 triệu đồng. Tuy nhiên, dù nói gì thì nói thì tới nay, sau hơn 4 tháng mở cửa, giá trị giao dịch qua sàn chỉ hơn 1 tỉ đồng.

Do vậy, trên diễn đàn cà phê tại địa chỉ http://www.y5cafe.info, cư dân mạng quan tâm tới cà phê đã cho rằng khối lượng và giá trị cà phê giao dịch qua BCEC còn thua xa một đại lý cà phê cỡ nhỏ ở cấp huyện, trong khi trung tâm được nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng.

Họ không chê sao được khi đại lý cỡ nhỏ ở xã, huyện, trong mùa vụ thu hoạch cà phê có thể mua bán hàng chục hay hàng trăm tấn một ngày là chuyện bình thường, còn ở sàn thì có ngày như ngày 8/4, chỉ giao dịch có 5 tấn vỏn vẹn được 125 triệu đồng.

Cũng thật đáng buồn khi danh sách thành viên đăng ký bán cà phê ở sàn tới giờ, dù có tăng nhưng cũng chỉ 15 cá nhân mà ai nhìn vào cũng biết chắc một điều đó đa phần là đại lý, hay nói nôm na là thương lái cà phê (dân trồng cà phê gọi tắt là “lái cà”), như hạt muối trong biển cả nếu so với hàng vạn hộ dân trồng cà phê ở Đắc Lắc nói riêng và hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên mà sàn này định hướng nhắm tới.

Thành viên đăng ký kinh doanh, hay nói chính xác hơn là đăng ký mua, cũng chỉ mới 14 doanh nghiệp, con số quá nhỏ bé so với hơn 140 doanh nghiệp có kinh doanh cà phê hiện nay ở tỉnh Đắc Lắc.

Thói quen cũ không dễ bỏ

“Thay đổi tập quán mua bán cà phê của nông dân không phải là điều dễ dàng trong ngày một ngày hai và chúng tôi đang cố gắng vận động nông dân, đại lý cũng như tìm cách hỗ trợ nông dân về vốn ứng trước cho cà phê ký gửi vào kho của BCEC cũng như phương tiện vận chuyển cà phê”, ông Hà cho hay.

Ông thừa nhận đây là mô hình giao dịch không chỉ mới mẻ với nông dân mà mới mẻ với ngay cả các nhân viên của BCEC hay cả ngành thương mại của Việt Nam. Do vậy, trung tâm liên tục cử cán bộ đến các xã trồng nhiều cà phê xung quanh thành phố Buôn Ma Thuột, vận động các hộ trồng cà phê lớn tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, xem nông dân bị khúc mắc, khó khăn khi đưa cà phê tới sàn ở điểm nào để tháo gỡ.

Những cuộc làm việc giữa cán bộ của trung tâm với hội nông dân xã, huyện càng ngày càng nhiều lên. Nhờ vậy, từ một vài thành viên đăng ký ban đầu, nay theo ông Hà, tăng lên 15 thành viên cũng là con số chứng minh nỗ lực của sàn.

Gần 1 tháng trước, khi biết người viết bài này đang công tác ở một huyện trồng cà phê của Đắc Lắc, ông Hà đã điện thoại “nhờ” người viết tranh thủ “điều tra” giúp các hộ nông dân nơi người viết làm việc, xem thử tại sao nông dân chưa muốn bán cà phê qua sàn, khó khăn vướng mắc ở đâu? Nhưng khó khăn mà nông dân vấp phải mà người viết biết được cũng chẳng khác ông Hà và các cán bộ ở sàn nắm được trong nhiều tháng qua.

Đó là thói quen mua bán cũ khá tiện lợi cho nông dân. Nông dân thu hoạch cà phê với bất kỳ khối lượng nào cũng được đại lý, thương lái ở thôn buôn, trong xã tới mua cà phê xô mà tiền có thể trao ngay hoặc ghi nợ mà nông dân có thể lấy bất kỳ lúc nào mình muốn.

Trong khi nếu muốn bán cho sàn, đầu tiên phải làm ra cà phê đạt tiêu chuẩn Việt Nam - vốn khá rắc rối với nông dân, may ra đại lý cấp huyện trở lên mới đủ điều kiện phân loại cà phê. Sau đó nông dân phải chuyên chở tới sàn mà không ai cũng có phương tiện.

Hay nói khác hơn, bản chất của kiểu mua bán cũ là qua nhiều tầng nấc trung gian để đưa hạt cà phê từ nông dân tới nhà xuất khẩu hay chế biến. “Đột phá để phá vỡ một phần trong hệ thống mua bán cũ đã ăn sâu vào nông dân, đại lý không phải là điều dễ dàng vì mua bán kiểu cũ quá tiện lợi cho nông dân nhưng giá trị của hạt cà phê lại nằm rải rác qua nhiều khâu”, ông Hà tâm sự.

Doanh nghiệp lớn chưa muốn vào sàn

Thuyết phục nông dân đã khó thì thuyết phục doanh nghiệp chẳng dễ dàng gì. Tuy hiện nay mới chỉ có 14 doanh nghiệp đăng ký làm thành viên kinh doanh tại sàn nhưng trong số này lại thiếu vắng những doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu ở Buôn Ma Thuột như Simexco, Vinacafe Buôn Ma Thuột…

Điều này khá dễ lý giải bởi đây là những doanh nghiệp có mạng lưới thu mua cà phê đủ mạnh thông qua các đại lý của mình ở huyện, xã và họ cũng chẳng cần tham gia sàn dù thừa biết đây là phương thức mua bán hiện đại mà nhiều nước tiên tiến đã và đang áp dụng cho nông sản.

Thế nhưng khác với các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh cà phê thì cả 3 liên doanh chế biến cà phê nhân của nước ngoài có mặt tại Đắc Lắc là Công ty Liên doanh Chế biến cà phê xuất khẩu MAN - Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH Cà phê Hà Lan - Việt Nam (Nedcoffee) và Olam Dak Lak đều đăng lý làm thành viên của sàn ngay từ đầu.

Không thể trách nông dân hay doanh nghiệp, ông Hà cũng thừa nhận mô hình giao dịch của sàn quá mới mẻ ở Việt Nam và với chính đội ngũ nhân viên sàn, nên vừa làm học, vừa tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, lẫn góp ý của doanh nghiệp và nông dân.

Chẳng hạn khi mới ra đời, BCEC dự tính giao dịch mỗi lô (lot) là 5 tấn cà phê, nay còn xuống còn 1 tấn cho phù hợp với quy mô của nông dân, trước thì mỗi ngày chỉ mỗi phiên giao dịch buổi sáng, bây giờ tăng lên 2 phiên, có cả buổi chiều cho tiện lợi, rồi làm việc với ngân hàng ủy thác thanh toán tại sàn là Techcombank hỗ trợ vốn sau khi nông dân mang cà phê tới kho mà chưa bán được.

Hồng Văn (TBKTSG)

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con