Thấy gì qua chuyến thăm Trung Quốc của “ông trùm” hàng xa xỉ Bernard Arnault?
Chủ tịch LVMH đã đến thăm Trung Quốc trong bối cảnh các nhà sản xuất hàng xa xỉ châu Âu theo dõi chặt chẽ tốc độ phục hồi của thị trường trọng điểm sau ba năm gián đoạn do Covid-19…
Theo các bài đăng trên mạng xã hội Weibo, người đàn ông giàu thứ hai thế giới này đã đến thăm trung tâm thương mại hạng sang SKP và trung tâm mua sắm Sanlitun Taikoo Li ở Bắc Kinh. Sau đó ông xuất hiện ở thành phố Thành Đô, nơi ông đã đến thăm Trung tâm Tài chính Quốc tế và nhiều cửa hàng hạng sang khác.
Trong các video và hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, ông Arnault được nhìn thấy đi cùng với con gái Delphine Arnault, Giám đốc điều hành thương hiệu thời trang và nước hoa Dior, và con trai Jean Arnault, hiện đang đứng đầu bộ phận tiếp thị và phát triển mảng đồng hồ của Louis Vuitton. Nhiều nguồn tin tiết lộ với SCMP, chuyến công tác của tỉ phú Arnault bao gồm cuộc họp của ông với nhân sự của công ty tại một số thành phố ở Trung Quốc.
Theo CNN, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong thị trường hàng xa xỉ. Trước đại dịch, nước này chiếm đến 1/3 tổng chi tiêu cho hàng xa xỉ trên toàn cầu. Tuy nhiên, Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến Trung Quốc, đẩy thị phần của nước này trên thị trường hàng xa xỉ xuống còn 17% trong năm 2022, theo các chuyên gia phân tích của ngân hàng UBS. Chuyến thăm theo kế hoạch của ông Arnault diễn ra vào thời điểm quan trọng để LVMH khởi động lại thương hiệu trang sức Tiffany, mà công ty đang tìm cách mở rộng ở Trung Quốc như một phần của chiến lược bắt kịp đối thủ Cartier.
Gần đây, Bắc Kinh đã trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu khác, trong đó có Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon và nhà sáng lập Tesla Elon Musk. Ông Pablo Mauron, Giám đốc điều hành tại Trung Quốc của Digital Luxury Group nhận định: “Những chuyến thăm này rất quan trọng với các giám đốc điều hành những nhãn hàng xa xỉ vì thị trường, hành vi của người tiêu dùng và sự hiện diện của các thương hiệu xa xỉ tại địa phương đã thay đổi mạnh mẽ trong 3 năm qua".
LVMH đã chuyển trụ sở khu vực và giám đốc điều hành cấp cao của một số nhãn hàng đến các thành phố như Thượng Hải bởi cho rằng xu hướng mua đồ hiệu tại nhà của người tiêu dùng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục sau đại dịch. Thêm vào đó, khách hàng Gen Z ở Trung Quốc được dự kiến vượt qua những người cùng thế hệ ở Mỹ, châu Âu để trở thành những người mua hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025.
Trong một báo cáo công bố gần đây, LVMH ghi nhận doanh số bán hàng trong quý đầu tiên năm 2023 của họ tăng 17% so với một năm trước, vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích, nhờ sự phục hồi của thị trường mặt hàng xa xỉ Trung Quốc sau thời kỳ suy thoái mà thị trường này đã trải qua trong đại dịch. Trong một báo cáo với giới phân tích, Giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony nói rằng đây là tín hiệu tốt cho khoảng thời gian còn lại của năm. Người tiêu dùng đang quay trở lại các cửa hàng của công ty và doanh số bán hàng trực tuyến cũng đang tăng lên.
Trước đó, Chủ tịch và giám đốc điều hành LVMH từng gặp Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tại Paris vào tháng 4. Delphine Arnault cũng như các giám đốc điều hành hàng đầu khác của LVMH đã tham dự cuộc họp và nhóm đã cam kết tham gia Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế của Trung Quốc, sẽ được tổ chức tại Thượng Hải vào tháng 11. Các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng hoạt động kinh doanh phục hồi không đồng đều nhưng lĩnh vực xa xỉ vượt trội so với các hạng mục tiêu dùng khác; do người tiêu dùng giàu có vẫn duy trì thói quen chi tiêu ở Đại lục.
Công ty nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Luxury Institute cho biết, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu, những người có giá trị tài sản ròng cực cao vẫn cực kỳ giàu có. Họ được gọi là nhóm 1%, đây chính là đối tượng khách hàng được các thương hiệu xa xỉ dồn lực thu hút trong giai đoạn này. Các chiêu marketing đánh mạnh vào tâm lý người giàu với các từ khóa như: độc bản, cá nhân hóa hoặc phiên bản giới hạn. Bà Amrita Banta, Tổng giám đốc tại Agility Research & Strategy cho biết từ khi đại dịch bắt đầu cách đây hơn 2 năm, những UHNWI của Trung Quốc vẫn mạnh tay chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ. Dường như khủng hoảng kinh tế không đụng đến họ.
Thực tế, số lượng tỷ phú ở Trung Quốc tiếp tục vượt qua Mỹ. Trong 3 năm liên tiếp, Trung Quốc đứng đầu danh sách Người giàu toàn cầu năm 2022 của tạp chí Hồ Nhuận, với 1.133 người sở hữu tài sản tỷ USD (tăng 75 người so với năm trước). Tiếp đó là Mỹ với 716 tỷ phú. Hai quốc gia này chiếm 55% tổng số giới siêu giàu thế giới. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi đây là hai thị trường tiêu thụ hàng hóa xa xỉ lớn nhất thế giới.
"Đây mới chính là nhóm khách hàng cốt lõi của các thương hiệu xa xỉ và chiếm phần lớn doanh số mặt hàng này. Cho dù gần đây nhiều thương hiệu quan tâm và thu hút nhóm khách hàng mới như Gen Z, nhưng nhóm này vẫn chỉ chiếm phần nhỏ trong miếng bánh thị phần khách hàng của các thương hiệu xa xỉ", bà Banta cho biết. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra, các thương hiệu xa xỉ đang phân nhóm lại khách hàng và chiến lược marketing để phục vụ tốt hơn giới nhà giàu cũng như tập trung vào chất lượng hơn là chạy theo xu hướng.
Nói về điều này, bà Zuzanna Pusz, nhà phân tích tại UBS Group AG cho biết: “Những công ty lớn như LVMH và Hermes có kết quả kinh doanh rất tốt, tuy nhiên, chúng tôi dự đoán rằng sẽ có sự phân cực mạnh giữa họ với các hãng ở phân khúc thấp hơn vì người tiêu dùng Trung Quốc nổi tiếng kén chọn và thích những thương hiệu lớn". Theo bà, đây cũng là lý do khiến các hãng lớn đã quyền lực lại càng có nhiều quyền lực hơn và tăng giá nhanh hơn.
Được biết, "con gà đẻ trứng vàng" Louis Vuitton của LVMH đã vượt mốc doanh thu 20 tỷ euro (22 tỷ USD) vào năm ngoái, và hãng thời trang này gần đây còn nhận được nhiều sự chú ý hơn khi nhạc sĩ ngôi sao Pharrell Williams đã trình làng BST đầu tiên với tư cách là giám đốc sáng tạo dòng thời trang nam.
Không chịu thua kém, doanh số quý đầu của Hermes International cũng cho thấy toàn bộ danh mục sản phẩm trên mọi khu vực đều tăng trưởng trên 10%. Theo bà Pusz, đây là 2 cái tên hàng đầu trong ngành hàng xa xỉ. Còn lại một số thương hiệu khác như Salvatore Ferragamo, Burberry hay Swatch... sẽ được xếp vào nhóm kém hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng đất nước tỷ dân.