Thí điểm chính sách đặc thù, dùng ngân sách địa phương đầu tư hàng loạt quốc lộ, cao tốc
Lãnh đạo Chính phủ quyết định phân cấp 6 tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư 7 dự án quốc lộ, cao tốc trên địa bàn. Đồng thời, 13 tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác đầu tư 14 dự án...
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 216/QĐ-TTg phân cấp và giao cơ quan chủ quản đầu tư các dự án đường bộ theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.
Nghị quyết số 106/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 28/11/2023 và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025.
Quyết định nêu rõ, phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bình Phước, Sơn La, Ninh Bình, Hậu Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với các dự án tại Phụ lục II Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội.
Theo quyết định được ban hành, UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan chủ quản hai dự án: Nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành và dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước.
Cùng với đó, UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La.
UBND tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C).
UBND TP. Cần Thơ làm cơ quan chủ quản dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ - Dự án 1 (Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn qua địa phận TP Cần Thơ và đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ).
UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản dự án nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 26B, tỉnh Khánh Hòa.
Bên cạnh đó, tại quyết định này, lãnh đạo Chính phủ cũng giao 13 tỉnh, thành phố giữ vai trò cơ quan chủ quản 14 dự án giao thông khác, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công đối với các dự án.
Cụ thể, UBND tỉnh Lai Châu làm cơ quan chủ quản dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
UBND tỉnh Bắc Kạn làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang.
UBND tỉnh Bắc Ninh làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.
UBND TP Đà Nẵng làm cơ quan chủ quản dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu.
UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản hai dự án: Nâng cấp mở rộng đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh Long An và xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 (dự án thành phần 2).
UBND tỉnh Ninh Thuận được giao làm cơ quan chủ quản dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
UBND tỉnh Cà Mau làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông - Tây và cầu Gành Hào.
UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan chủ quản dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
UBND tỉnh Vĩnh Long làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre theo hình thức PPP.
UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (quốc lộ 61C).
UBND tỉnh Hòa Bình làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.
UBND tỉnh Bến Tre làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng cầu Cửa Đại thuộc tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang.
UBND tỉnh Trà Vinh làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng cầu Cổ Chiên 2, kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh.
Với dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) do UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản vừa được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư, vừa thuộc diện được được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công.
Theo quy định Luật Ngân sách nhà nước, việc đầu tư, nâng cấp đường quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và do Bộ Giao thông vận tải quản lý và bố trí vốn; địa phương không được phép là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Hơn nữa, ngân sách của địa phương này không mang đi đầu tư dự án ở địa phương khác.
Do đó, một số cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành kể trên, nổi bật là giao địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác, được kỳ vọng sẽ giải quyết những bức xúc về hạ tầng giao thông.