Thị phần môi giới HoSE quý 3/2022: VPS tiếp tục dẫn đầu, nhiều công ty giảm mạnh
VPS dù vẫn soán ngôi vương song thị phần môi giới tăng mạnh từ 17,10% trong quý 2/2022 lên 18,71% trong quý 3.Trong khi đó, SSI có thị phần giảm từ 10,02% xuống còn 9,60%...
Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) mới đây đã công bố thị phần giá trị giao dịch môi giới quý 3/2022. Có sự thay đổi đáng kể giữa các vị trí trong top 10 thị phần.
Cụ thể, VPS dù vẫn soán ngôi vương song thị phần môi giới tăng mạnh từ 17,10% trong quý 2/2022 lên 18,71% trong quý 3.
Trong khi đó, SSI ngày càng bị bỏ xa với thị phần giảm từ 10,02% xuống còn 9,60% dù công ty chứng khoán này đã tìm nhiều cách để giữ thị phần trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, theo SSI, trong bối cảnh thị trường biến động, SSI tiếp tục đề cao việc quản trị rủi ro đối với hoạt động cho vay ký quỹ, nỗ lực đồng hành cùng khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Tại thời điểm 30/9/2022, dư nợ cho vay của SSI đạt mức 15.387 tỷ đồng. Bên cạnh biện pháp nghiệp vụ, SSI tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tư vấn đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả, quản trị rủi ro cho nhà đầu tư. Chương trình Café Chứng mỗi sáng trên fanpage hay Chứng khoán SSI Chương trình Bí mật đồng tiền...
Tính chung 9 tháng đầu năm, số lượng tài khoản mở mới tại SSI tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thị phần lại giảm đi đáng kể.
Hầu hết các công ty chứng khoán còn lại thị phần đều giảm mạnh trong quý vừa qua. Chẳng hạn, VnDirect thị phần giảm từ 7,96% trong quý 2 còn 7,72% trong quý 3. HSC rớt từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 5 tương ứng thị phần giảm từ 6,06% còn 5,58%. TCBS giảm từ 5,37% còn 5,23%.
Trong khi đó, MAS đã nỗ lực đáng kể vươn lên vị trí thứ tư với thị phần giao dịch tăng từ 5,10% lên 5,85%.
Các công ty chứng khoán tại Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh mẽ trong 3 năm trở lại đây nhờ vào sự gia tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân. Triển vọng dài hạn của ngành dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn rất lớn nhờ vào tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tham gia thấp của nhà đầu tư trên tổng dân số cũng như quy mô thị trường vốn được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của FiinRatings, hiện thanh khoản bình quân ngày trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ ở mức khoảng 60% so với bình quân năm 2021. Do đó, điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thu nhập từ môi giới chứng khoán cũng như rủi ro tín dụng danh mục cho vay ký quý. Điều này có thể tác động lớn hơn đối với các công ty chứng khoán cho vay ký quỹ tập trung vào các cổ phiếu nhỏ hoặc có tính đầu cơ.
Quy mô tổng tài sản của 68 công ty chứng khoán đang hoạt động đạt 383 nghìn tỷ đồng và quy mô vốn chủ đạt 178 nghìn tỷ vào 30/6/2022. Quy mô vốn chủ sở hữu này đã tăng ở mức 3,17 lần so với thời điểm cuối năm 2017 và hệ số đòn bảy (Tổng tài sản/ Vốn chủ sở hữu) ở mức 2,2 lần vào giữa năm 2022.
Mặc dù quy mô cho vay margin đã giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2022, tuy nhiên, FiinRatings đánh giá đây là mức độ đòn bảy cơ bản vẫn ở ngưỡng khá an toàn trên góc nhìn toàn ngành mặc dù có nhiều công ty có mức độ đòn bảy cao hơn.
Điều này có được nhờ các công ty chứng khoán hiện nay đã đa dạng hóa mô hình thu nhập bao gồm tự doanh/ đầu tư, môi giới, cho vay ký quỹ và tư vấn tài chính/ phát hành.