Thị trường điều chỉnh biên độ hẹp, thanh khoản xuống đáy 7 tháng
Người cầm tiền chờ đợi, người cầm cổ không muốn bán giá thấp khiến thị trường sáng nay rơi vào cảnh đìu hiu, thanh khoản sụt giảm tới 58% trên hai sàn so với sáng hôm qua. Dù vậy mức giảm ở đa số cổ phiếu rất nhẹ và VN-Index cũng chỉ điều chỉnh chưa tới 1 điểm...
Người cầm tiền chờ đợi, người cầm cổ không muốn bán giá thấp khiến thị trường sáng nay rơi vào cảnh đìu hiu, thanh khoản sụt giảm tới 58% trên hai sàn so với sáng hôm qua. Dù vậy mức giảm ở đa số cổ phiếu rất nhẹ và VN-Index cũng chỉ điều chỉnh chưa tới 1 điểm.
Điểm rơi sâu nhất của chỉ số là khoảng 10h40, dưới tham chiếu gần 4,7 điểm. Đỉnh cao nhất VN-Index đạt được là ngay sau 5 phút có giá mở cửa, tăng 4,1 điểm. Biên độ dao động như vậy là rất hẹp, dù toàn thời gian số cổ phiếu giảm giá áp đảo. Sàn HoSE kết phiên với 154 mã tăng/228 mã giảm và nhịp phục hồi nửa sau phiên sáng đã cải thiện không rõ rệt với chỉ hơn 20 mã đảo chiều.
Thanh khoản đặc biệt thấp sáng nay trong bối cảnh biên độ dao động hẹp như vậy cho thấy nguyên nhân chính là do cung cầu không gặp nhau. Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX mới đạt 4.796 tỷ đồng, giảm 58% so với sáng hôm qua và là thấp nhất kể từ trung tuần tháng 12/2023. Sàn HoSE cũng giảm giao dịch 57%, đạt 4.526 tỷ đồng. Đây là mức sụt giảm giao dịch đột biến, bất thường.
Điều quan trọng là cổ phiếu không bị tổn thương nhiều: Trong 228 mã đỏ của VN-Index, chỉ có 82 mã giảm quá 1% và xấp xỉ 80% thanh khoản tập trung ở 10 cổ phiếu giao dịch nhiều nhất: DGC giảm 3,42% khớp lệnh 263 tỷ đồng; MBB giảm 1,59% với 250,4 tỷ; MWG giảm 1,68% với 111,7 tỷ; CTG giảm 1,04% với 75,5 tỷ; HDG giảm 1,56% với 64,1 tỷ; TCM giảm 1,96% với 63,6 tỷ… Thanh khoản của 82 cổ phiếu này chiếm khoảng 30% giao dịch toàn sàn HoSE.
Phía tăng giá hiện cũng không có nhiều cổ phiếu thanh khoản cao. Trong 154 mã xanh, có 41 mã tăng trên 1% và nhóm này tập trung chưa tới 14% thanh khoản sàn. Điều này thể hiện khả năng đẩy giá lên không khó vì áp lực bán cũng rất nhẹ. Điều quan trọng là dòng tiền chưa thực sự chấp nhận nâng giá.
Việc dòng tiền chững lại trong sáng nay nhìn từ góc độ kiểm tra áp lực bán thì cũng là tín hiệu tốt. Sau liên tiếp các phiên biến động mạnh, thanh khoản lớn, giao dịch chậm lại thể hiện nhu cầu bán đang giảm đi. Đặc biệt rổ VN30 thậm chí còn khớp chưa tới 2.000 tỷ đồng, cũng đang giảm tới 55% so với sáng hôm qua, nhưng đại đa số cổ phiếu giảm nhẹ. VN30-Index chốt phiên sáng thậm chí tăng 0,02% với 11 mã tăng/14 mã giảm, nhưng chỉ 4 mã giảm đáng kể là CTG giảm 1,04%, MSN giảm 1,11%, MBB giảm 1,59% và MWG giảm 1,68%. Số tăng trong rổ xuất sắc nhất là FPT tăng 2,42% và VRE tăng 1,25%.
Ngay cả rổ VN30 cũng giảm giao dịch quá nhiều cho thấy bản thân các tổ chức lớn cũng đang giảm cường độ. Toàn sàn HoSE hiện chỉ có 7 mã thanh khoản đạt trên 100 tỷ đồng thì 6 mã trong rổ blue-chips này. Nếu khả năng giữ ổn định các cổ phiếu lớn thì thị trường sẽ cân bằng hơn về độ rộng trong phiên chiều vì giai đoạn thử thách kiên nhẫn trên nền thanh khoản quá nhỏ hiện tại có thể bị tác động rõ hơn từ chỉ số. Hiện các blue-chips mới bắt đầu hồi lại ít phút trước giờ nghỉ và biên độ còn nhỏ. Tuy nhiên do mức giảm trước đó cũng không nhiều nên cơ hội vượt tham chiếu đang rộng mở.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng bất ngờ giảm bán tới 30% trên sàn HoSE, chỉ xả 552,9 tỷ đồng giá trị cổ phiếu và mức ròng là -51,8 tỷ đồng. Tính về quy mô bán tuyệt đối, sáng nay là ngưỡng thấp nhất 12 tuần liên tiếp. Cổ phiếu trong rổ VN30 đã được mua ròng khoảng 46,3 tỷ đồng, tập trung vào VNM +51,2 tỷ, VCB +20,5 tỷ và bán nhẹ MSN -12,9 tỷ, VRE -11,3 tỷ. Vị thế tổng hợp là bán ròng do có giao dịch -73 tỷ ở DGC.