Thị trường “sạch nước cản”, tiền nhỏ đẩy giá tăng cả loạt
Bất chấp đà giảm ở chỉ số kéo dài thêm đến đầu phiên chiều, thị trường “đổi gió” khá nhanh từ khoảng 1h30 trở đi khi dòng tiền mua bắt đầu nâng giá. Độ rộng cải thiện nhanh thể hiện đà phục hồi trên diện rộng dù thanh khoản tăng rất chậm. Đó là hiệu ứng của khối lượng bán cản đường rất nhỏ...
Bất chấp đà giảm ở chỉ số kéo dài thêm đến đầu phiên chiều, thị trường “đổi gió” khá nhanh từ khoảng 1h30 trở đi khi dòng tiền mua bắt đầu nâng giá. Độ rộng cải thiện nhanh thể hiện đà phục hồi trên diện rộng dù thanh khoản tăng rất chậm. Đó là hiệu ứng của khối lượng bán cản đường rất nhỏ.
VN-Index kết phiên tăng vượt tham chiếu 0,41% tương đương +4,46 điểm. Độ rộng của chỉ số thời điểm chốt phiên sáng là 222 mã tăng/216 mã giảm, đến khoảng 2h vẫn chưa thay đổi nhiều, ghi nhận 251 mã tăng/209 mã giảm. Tuy nhiên 30 phút cuối và đợt ATC tình thế thay đổi nhanh. HoSE đóng cửa có tới 318 mã tăng/151 mã giảm.
Điểm số tăng chậm là do biên độ tăng của nhóm trụ chưa nhiều. Duy nhất 2 mã trong Top 10 vốn hóa thị trường tăng được hơn 1% là VHM tăng 1,1% và VNM tăng 1,64%. VCB – trụ lớn nhất – vẫn còn giảm 0,12%; VPB giảm 0,27% và HPG tham chiếu. Nhóm còn lại tăng quá nhẹ VIC tăng 0,12%, BID tăng 0,24%, GAS tăng 0,27%, CTG tăng 0,19%, FPT tăng 0,11%.
Rổ VN30 đóng cửa tăng 0,47% với 19 mã tăng/6 mã giảm nhưng cũng chỉ có 7 mã tăng trên 1%. Khỏe nhất là MWG tăng 4,31% và MSN tăng 2,73% thì vốn hóa vẫn chưa lọt nhóm hàng đầu: MWG vốn hóa đứng thứ 18 sàn HoSE và MSN đứng thứ 13. PLX, STB, VRE cũng tăng tốt nhưng vốn hóa còn nhỏ hơn nữa.
Bù lại mức tăng yếu ở chỉ số đại diện, thị trường chiều nay giao dịch tích cực, thể hiện qua độ rộng cải thiện đáng kể so với phiên sáng. Thêm nữa mặt bằng giá cũng đã được nâng lên: Chốt phiên sáng VN-Index có 49 mã tăng trên 1% thì đóng cửa là 105 mã.
Hiệu ứng dòng tiền cũng khá tích cực khi diễn biến tăng giá áp đảo ở nhóm thanh khoản hàng đầu. HoSE có 29 mã giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên – chiếm 65% tổng khớp sàn này – thì chỉ có 5 mã đỏ và không mã nào giảm quá 1% nhưng tới 20 mã tăng với 12 mã tăng trên 1%. Ngoài MWG và MSN, các cổ phiếu tăng tốt với thanh khoản hàng đầu có thể kể tới HAH, PVT, KBC, DBC, DXG.
Do dòng tiền đẩy giá lên khá nhỏ nên khả năng kéo những mã “nặng” là hạn chế. Bù lại những cổ phiếu thanh khoản trung bình tới thấp lại đạt biên độ tốt hơn nhiều. PET, HSL, BMP, APG, LDG, VOS, HNG, TCH, NLT đều tăng trên 2% thanh khoản hàng chục tỷ đồng.
Phía ngược lại, rất ít cổ phiếu xuất hiện áp lực bán một cách rõ rệt có thể đẩy giá giảm sâu. Phần lớn các mã giảm nhiều là trên nền thanh khoản quá nhỏ, thậm chí chỉ vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng. Đáng kể chỉ là ITA giảm 4,02% thanh khoản 87,1 tỷ; SJS giảm 3,56% thanh khoản 16 tỷ; HQC giảm 2,58% thanh khoản 82,3 tỷ.
Nhà đầu tư nước ngoài phiên chiều giao dịch nhiều hơn hẳn buổi sáng nhưng chủ đạo là thỏa thuận. Cụ thể, khối này bán thêm 2.877,5 tỷ đồng trên HoSE nhưng cũng mua đối ứng 2.746,5 tỷ. Như vậy mức bán ròng buổi chiều chỉ là 131 tỷ đồng. Phiên sáng khối này đã xả ròng 283,4 tỷ. Các mã bị bán lớn đáng chú ý là HPG -108,9 tỷ, HCM -54 tỷ, VCB -35,6 tỷ, EIB -34,7 tỷ, NVL -34,4 tỷ, BCM -25,9 tỷ, SSI -23,5 tỷ, STB -23,4 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND -84,8 tỷ.
Dù hiệu ứng tăng giá là rõ ràng nhưng thanh khoản phiên chiều lại khá nhỏ, hai sàn chỉ khớp thêm được gần 6.122 tỷ đồng, trong đó HoSE khớp gần 5.654 tỷ. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn cả ngày do đó chỉ đạt 10.351 tỷ đồng. HoSE lần đầu tiên sau 3 tuần lại chứng kiến mức khớp lệnh dưới 10 ngàn tỷ đồng. Tuy thanh khoản khá nhỏ nhưng cổ phiếu lại phục hồi giá tốt cho thấy áp lực bán đang nhẹ. Dòng tiền không cần quá mạnh mẽ cũng có thể xoay chiều được giá.