Thị trường xuất khẩu UAE vẫn có cửa?
Logistics, chi phí kho bãi, giá nhân công gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu
Các mặt hàng của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường các nước Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), nhưng đến nay, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này của hàng Việt vẫn còn hạn chế, bởi có quá nhiều khó khăn trong quá trình hợp tác, kinh doanh.
UAE nói chung và Dubai nói riêng được đánh giá là một trong những thị trường trung chuyển quan trọng, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Đông, Tây Á và châu Phi. Thị trường các nước theo đạo Hồi có quy không nhỏ, ước đạt giá trị 2.000 - 3.000 tỷ USD/năm. UAE nằm bên bờ vịnh Ba Tư, là nền kinh tế lớn thứ hai ở Trung Đông, đóng vai trò trung tâm thương mại và tài chính của khu vực, đồng thời là nơi trung chuyển hàng hóa và trung tâm tái xuất hàng hóa lớn thứ 3 thế giới.
Quy mô thị trường không nhỏ
Thị trường khu vực này có sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng với kim ngạch nhập khẩu năm 2017 khoảng 265 tỷ USD. Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Tp.HCM (VCCI-HCM) cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE năm 2017 đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần và trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu từ Việt Nam vào UAE tăng trưởng thấp (chưa đến 1%) và nhập khẩu cũng suy giảm.
Dù hoạt động xuất khẩu vào UAE còn thấp nhưng xét về tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam còn rất lớn, tập trung ở một số mặt hàng như thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, rau quả, dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng. Nhóm nông, thủy sản gồm các mặt hàng gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cá tra, cá ba sa, tôm đông lạnh... là những mặt hàng có lợi thế, nhiều tiềm năng xuất khẩu sang UAE.
Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến vào thị trường khu vực này. Điển hình như Tp.HCM đã coi UAE là một trong những thị trường cần thúc đẩy các hoạt động thâm nhập. Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) cho biết, gần đầy Tp.HCM đã hai lần đưa đoàn doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường Dubai, UAE.
Mong muốn của chính quyền Tp.HCM là tiếp tục thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác đầu tư với phía Dubai, UAE, nhằm nâng cao giá trị đầu tư của đối tác này tại Tp.HCM. Hiện tại, các nhà đầu tư UAE đứng thứ 43 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Tp.HCM, đạt giá trị đầu tư chỉ trên 300 triệu USD.
Nỗ lực khai phá thị trường
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Á Phi (Bộ Công Thương) cho biết, các nhà đầu tư UAE rất chú trọng phát triển các ngành năng lượng tái tạo. Theo đó, các doanh nghiệp UAE vào Việt Nam từ năm 2016 nhưng trên thực tế chỉ quan sát và nghiên cứu vẫn chưa ra quyết định "rót" tiền vào triển khai. Theo đại diện của Dubai – UAE, trước mắt, lĩnh vực mà họ ưu tiên khi đầu tư vào Việt Nam là bất động sản, hạ tầng logistics, công nghiệp dầu khí, hệ thống cảng phục vụ...
Tại Diễn đàn giao lưu thương mại Việt Nam - Dubai, UAE năm 2018 diễn ra ngày 12/11 ở Tp.HCM, ông Ashraf A.Mahate, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Dubai Exports cho biết, năm 2017, có một doanh nghiệp thu mua đến 20% sản lượng tiêu Việt Nam để bán tại các chợ trung tâm của Dubai. Điều đó cho thấy thị trường UAE rất chuộng sản phẩm Việt Nam. Nhu cầu thu hút các công ty Việt Nam đến Dubai đầu tư là rất lớn.
Trong một buổi hội thảo về thị trường UAE do ITPC tổ chức hồi tháng 9/2018, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, ITPC có thể hỗ trợ việc đưa hàng vào các siêu thị, sắp xếp các buổi làm việc, tìm kiếm cơ hội xuất hàng vào các chuỗi siêu thị lớn nhất của Dubai như Al Maya, Choithrams, Westzones. Để xuất khẩu vào thị trường UAE, Dubai, một điều các doanh nghiệp cần lưu ý là hàng hoá phải có chứng nhận tiêu chuẩn Halal.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Văn phòng chứng nhận Halal, nhận định thị trường Hồi giáo có sức mua lớn và nhu cầu cao đối với các sản phẩm Việt Nam, không có nhiều các rào cản kỹ thuật và thuế quan, nhưng thường yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận Halal.
Nền công nghiệp Halal cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, dự báo sẽ có doanh thu khoảng 3.600 tỷ USD vào năm 2021, trong đó 2.000 tỷ USD chi tiêu cho ăn uống.
Theo ông Ashraf A.Mahate, Dubai có hệ thống thuế quan thấp nhất thế giới và miễn hoàn toàn thế thu nhập doanh nghiệp. Từ Dubai, có thể kết nối với thị trường trên 3 tỷ dân chỉ trong vòng 6 giờ đồng hồ, đảm bảo việc giao hàng trong ngày.
Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp Việt Nam đã có hợp tác đầu tư kinh doanh với đối tác Dubai, các doanh nghiệp gặp khó khăn ở khâu logistics, chi phí kho bãi đắt đỏ, giá thuê nhân công cao dẫn đến giá thành đội lên rất nhiều khi kinh doanh tại thị trường UAE, Dubai. Vì vậy, có thể nói dù thị trường có nhiều triển vọng nhưng thách thức cũng không ít. Vì quá nhiều khó khăn nên việc thúc đẩy đầu tư với đối tác Dubai - UAE vẫn chưa có sự đột phá.