Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước: Lạm phát chủ yếu liên quan đến giá của hàng hóa thế giới
Từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ phải theo dõi sát tiến độ giải ngân của các gói phục hồi để tránh tác động đến lạm phát...
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 sáng 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng: "Trong những tháng đầu năm, lạm phát của Việt Nam đang ở mức kiểm soát được, tức là tăng 2,25%. Nhưng qua phân tích, đánh giá, chủ yếu mức tăng giá này liên quan đến giá của hàng hóa thế giới".
Theo Thống đốc, lạm phát là vấn đề của toàn cầu hiện nay, Chính phủ và ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đang thực hiện các giải pháp để kiểm soát lạm phát.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở cửa rất lớn và đặc biệt nhập khẩu trên GDP chiếm khoảng 100%. Điều này cho thấy, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên, nhiên vật liệu từ thế giới, cho nên cũng chịu áp lực của lạm phát.
Đồng thời, Thống đốc cũng lưu ý, mặc dù các gói trong chương trình phục hồi kinh tế chưa giải ngân nhưng thời gian tới, khi những gói giải pháp này đưa ra thì cũng sẽ tác động đến lạm phát.
Bởi vậy, từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ cũng sẽ phải thực hiện theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ cũng như là tiến độ giải ngân của các gói này để đưa ra những biện pháp điều hành phù hợp với thực tiễn.
"Về bản chất thì chính sách tiền tệ là chính sách ngắn hạn và đặc biệt là trong điều hành về kiểm soát lạm phát thì một điều rất quan trọng, đó là phải phối kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá và hiện nay chúng ta có Ban Chỉ đạo điều hành giá. Thông qua Ban Chỉ đạo điều hành giá này, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phải phân tích rất sát những diễn biến, nguyên nhân của lạm phát để đưa ra sự kết hợp cho phù hợp", Thống đốc nói.
Liên quan đến điều hành thị trường tiền tệ và gắn với các phân khúc khác của thị trường tài chính, Thống đốc cho biết, trong 5 tháng vừa qua có nhiều diễn biến đáng chú ý trên thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trên thị trường này có rất nhiều chủ thể tham gia, trong đó có các chủ thể tham gia là các tổ chức tín dụng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo cho các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về chứng khoán nhưng cũng phải đảm bảo theo đúng các quy định pháp luật về ngân hàng.
Thứ nhất, đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng là người đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, khi các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thì Ngân hàng Nhà nước đã có các quy định để đảm bảo các tổ chức tín dụng phải thẩm định, thẩm tra như một khoản tín dụng để đảm bảo an toàn.
Thứ hai, vai trò các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đây cũng là một hoạt động như hoạt động huy động vốn bình thường của các tổ chức tín dụng. Nhưng hình thức này có rất nhiều thuận lợi cho tổ chức tín dụng cân đối vốn dài hạn hơn. Bởi vì trái phiếu doanh nghiệp thường là với dài hạn. Đối với người dân nắm giữ trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành cũng như một khoản tiền gửi, nhưng có một thuận lợi là người dân có thể lựa chọn nếu như trái phiếu đó là trái phiếu chuyển đổi thì thay vì tiền gửi sẽ nắm giữ cổ phần của ngân hàng.
Thứ ba, các tổ chức tín dụng tham gia vai trò cung ứng các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong quá trình phát hành trái phiếu. Tất cả hành lang pháp lý Ngân hàng Nhà nước đã quy định rất rõ ràng.
"Hoạt động ngân hàng là trung gian tài chính. Khi các tổ chức tín dụng tham gia hoạt động này thì điểm quan trọng nhất đó là phải kiểm soát được rủi ro. Bởi vì, nếu như các tổ chức tín dụng tham gia mà không kiểm soát được rủi ro thì lúc đó sẽ không có khả năng thu hồi được những khoản đầu tư. Như vậy, cũng sẽ khó khăn cho việc đáp ứng nhu cầu chi trả của người gửi tiền, trong những văn bản hướng dẫn chúng tôi đã có các quy định rất cụ thể", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.