Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn: Biến thách thức thành cơ hội
Theo các chuyên gia, để tham gia vào công nghiệp bán dẫn – ngành được coi là trụ cột quan trọng của nền kinh tế số, các điều kiện tối thiểu bắt buộc bao gồm công nghệ, vốn và nhân lực...
Đặc biệt, thu hút đầu tư và cạnh tranh hiệu quả, môi trường cạnh tranh cần phải công khai, minh bạch và phải gắn liền với đổi mới sáng tạo. Công nghiệp bán dẫn không chỉ là cơ hội cho Việt Nam mà còn là thách thức, điều quan trọng là làm cách nào để chuyển thách thức đó thành cơ hội cho doanh nghiệp.
Những căng thẳng địa chính trị trên thế giới đã tác động đến tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới đã chậm lại, chỉ còn 0,8% trong năm 2023 nhưng dự kiến sẽ hồi phục lên khoảng 3% trong năm 2024. Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng đối với các nền kinh tế mở như Việt Nam.
CƠ HỘI TỪ DÒNG VỐN ĐẦU TƯ MỚI
Theo báo cáo Đầu tư thế giới của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các yếu tố sẽ thúc đẩy tăng trưởng của các nước Đông Nam Á là đầu tư công và chi tiêu tiêu dùng, nhất là chi tiêu của du khách quốc tế đến mỗi nước cùng với sự phục hồi về xuất khẩu điện tử, công nghệ. Trong báo cáo vừa công bố, Viện Kế toán công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) và Oxford Economics nhận định rằng các nước Đông Nam Á có cơ sở sản xuất và xuất khẩu lớn cũng như lượng thu hút FDI nhiều sẽ tăng trưởng tốt hơn.
Đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng các tổ chức quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài đang đánh giá cao Việt Nam do các yếu tố như ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn xã hội... Báo cáo của Savills cho thấy trong giai đoạn 2016 - 2022, doanh số xuất khẩu điện tử và điện thoại tăng mạnh đã phản ánh quá trình nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng mang đến những cơ hội mới cho Việt Nam.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện tại không có quốc gia hay khu vực nào có thể kiểm soát toàn bộ chuỗi công nghiệp bán dẫn. Nhưng ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới hiện nay vẫn tập trung vào một số quốc gia và tập đoàn lớn, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Chính vì thế, nếu các công ty hoặc quốc gia muốn tham gia vào lĩnh vực này, tất cả cần phải hết sức cẩn trọng; nếu không có thể bị loại ra ngay lập tức do sự phân bố không đồng đều của ngành công nghiệp.
“Thế giới hiện đang trong một cuộc đua khốc liệt, đặc biệt là kể từ khi Hoa Kỳ quyết định chuyển hướng từ chiến tranh thương mại thông thường sang một cuộc chiến thương mại tập trung vào ngành bán dẫn với Trung Quốc. Những động thái này đã làm cho cuộc cạnh tranh trở nên đặc biệt và khác thường hơn rất nhiều”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhận định.
Các quốc gia trên thế giới vì thế cũng đang nỗ lực cạnh tranh thu hút các “đại bàng”. Malaysia đang xây dựng một mô hình phát triển khu kinh tế với hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn xuyên quốc gia. Mục tiêu là kết nối với Singapore, tạo thành một tổ hợp phát triển. Trong mô hình này, Malaysia tận dụng các lợi thế của Singapore như tài nguyên, đất đai và hạ tầng để tăng cường sức cạnh tranh trong ngành bán dẫn.
VIỆT NAM VẪN CÒN THIẾU NHIỀU YẾU TỐ CƠ BẢN
Mặc dù có những điều kiện thuận lợi từ bối cảnh thế giới và những đánh giá tích cực của nhà đầu tư, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều yếu tố cơ bản trong hệ sinh thái ngành bán dẫn, như công nghệ, chuỗi, nhân lực, vốn, dữ liệu, năng lượng, để có thể thu hút các “đại bàng”.
PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng về mặt công nghệ, mặc dù có khả năng sản xuất chip, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt đến trình độ công nghệ cao hơn mà thế giới đang phát triển. “Do đó, chúng ta chưa thể trở thành một phần không thể thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Từ góc độ doanh nghiệp, Việt Nam đang có những thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực, vốn, và dữ liệu. Đặc biệt, vấn đề năng lượng cho ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo rất quan trọng và cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không đáp ứng được nhu cầu năng lượng cao cấp này, các nhà đầu tư có thể sẽ không chấp nhận đầu tư vào Việt Nam.
Trao đổi tại tọa đàm “Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp bán dẫn” trong khuôn khổ Ngày hội Kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho biết gần đây có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung điện ổn định.
“Dù mùa hè năm ngoái chỉ xảy ra mất điện trong 2-3 tiếng, một số nhà đầu tư đặc biệt là từ Hàn Quốc, cho rằng ngay cả sự gián đoạn ngắn ngủi chỉ vài giây cũng có thể gây tai họa cho họ. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại về độ tin cậy của nguồn năng lượng ở Việt Nam”, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho biết.
Các chuyên gia cho rằng hiện tại dù Việt Nam đang nỗ lực rất quyết liệt để cải thiện hệ thống năng lượng, nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định. Đặc biệt, ngành bán dẫn cần nguồn năng lượng không chỉ ổn định mà còn phải “sạch”. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, các nhà đầu tư sẽ khó chấp nhận và có thể từ chối đầu tư vào thị trường Việt Nam.
PGS.TS. Trần Đình Thiên đã đưa ra một ví dụ về sự căng thẳng của hệ thống điện. Vào năm 2022, Công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing TSMC (Đài Loan), còn được gọi là Taiwan Semiconductor - tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới - tiêu thụ gần 22.000 GWh điện.
Mức tiêu thụ điện ngành sản xuất bán dẫn Đài Loan dự kiến sẽ tăng 2,4 lần trong giai đoạn 2021 - 2030. Đây là tham chiếu đáng giá cho Việt Nam để có thể hình dung mức độ cần thiết, chuẩn bị về cơ sở hạ tầng năng lượng trong cuộc đua thu hút FDI vào ngành bán dẫn.
Theo thông tin được GS.TSKH. Nguyễn Mại chia sẻ, Việt Nam có dự trữ đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, tương đương một nửa của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và các công nghệ tương lai. Theo nghiên cứu của nhiều viện và chuyên gia, ngành bán dẫn có khả năng đóng góp từ 18% đến 20% vào tổng GDP.
GS.TSKH. Nguyễn Mại cho rằng nhu cầu về năng lượng của ngành bán dẫn rất cao. “Một trong những yêu cầu quan trọng của các nhà đầu tư bán dẫn là đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định hàng năm, không được phép xảy ra tình trạng mất điện đột ngột hoặc không có thông báo trước.
Thậm chí trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững, các doanh nghiệp nước ngoài còn yêu cầu về nguồn năng lượng sạch. Thiếu năng lượng sạch, các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn sẽ không vào Việt Nam”, GS.TSKH. Nguyễn Mại chia sẻ.
Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cung ứng năng lượng và năng lượng sạch trong thu hút các doanh nghiệp FDI vào ngành bán dẫn, ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC), cho biết năng lượng điện chính là một trong ba yếu tố chính mà Đà Nẵng đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 32-2024 phát hành ngày 05/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam