Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Không nhất thiết phải 8 triệu tài khoản chứng khoán, chỉ cần 6 triệu nhưng một nửa là tổ chức thì tuyệt vời
Có tổ chức chuyên nghiệp thì không nhất thiết phải đạt 8 triệu tài khoản chứng khoán mà chỉ cần 5-6 triệu nhưng một nửa là nhà đầu tư tổ chức thì tuyệt vời....
Sáng 19/7, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức diễn đàn thường niên Đối thoại tháng 7 với chủ đề “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, Chủ đề câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán đưa ra hôm nay trong sinh hoạt tháng 7 thường niên là hết sức thiết thực và có tác động lan tỏa đến quá trình nâng cao chất lượng phát triển thị trường chứng khoán.
Thứ trưởng nói: "Tôi đề nghị tất cả chuyên gia, nhà quản lý, hiệp hội, nhà đầu tư, doanh nghiệp trên thị trường cố gắng tập trung thảo luận để có nội dung thống nhất, truyền thông lan tỏa để thu hút nhà đầu tư tổ chức, từ đó thị trường sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong thời gian ngắn nhất sắp tới.
Không ai có thể một mình kéo thị trường chứng khoán đi mà chúng ta phải cùng nắm tay tiến bước để đưa thị trường chứng khoán đi lên chặng đường phát triển mới về chất, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đi đầu trong quá trình này".
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, chúng ta thống nhất với nhau thị trường chứng khoán muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư. Cập nhật hiện nay thị trường chứng khoán quy mô vốn hóa lớn, số lượng tài khoản các nhà đầu tư mở gần 8 triệu tài khoản. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu và tài khoản thì số lượng của nhà đầu tư tổ chức khiêm tốn, con số của FiinGroup đưa ra nhà đầu tư nước ngoài nắm 14% cổ phiếu. Đây là điểm chưa mạnh và chưa bền vững của thị trường.
Phải làm thế nào để thay đổi điều này và thúc đẩy phát triển số lượng các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường?
Theo Thứ trưởng Chi, nhiệm vụ này, cơ quan quản lý nhà nước Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán đã nhận ra từ lâu, cũng đã báo cáo Thủ tướng đưa vào nhiệm vụ phát triển thị trường trong thời gian tới.
Để phát triển tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì có nhiều thứ chúng ta phải làm. Đơn cử nhận thức và tâm lý của các nhà đầu tư Việt Nam chúng ta ai cũng thích tự quản tài sản của mình, ai cũng thích tự mình đầu tư chứng khoán. Năng lực trình độ nhận thức, tâm lý đám đông dễ bị lôi kéo...
Vậy làm thế nào để thay đổi nhận thức đó? Chúng ta không thể một sớm một chiều, bên cạnh đào tạo truyền thông và nhà đầu tư tự trả giá thực tế trên thị trường thì hi vọng rằng các nhà đầu tư, những người có tiền có vốn ở Việt Nam thay đổi nhận thức để thực hiện đầu tư thông qua nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Nhưng để có thể đạt được điều này cơ quan quản lý nhà nước cần thực thi nhiều giải pháp tạo điều kiện để mở ra hoạt động của các quỹ đầu tư, các dạng quỹ đầu tư. Ví dụ, giờ nói đến quỹ hưu trí tự nguyện, nhưng liệu có quy định giám sát đủ chưa để mở rộng và thúc đẩy quỹ này...
"Cơ quan quản lý nhà nước sớm đưa ra quy định rõ ràng để đảm bảo quỹ hoạt động hiệu quả và nghiêm túc vì nếu có vấn đề gì xảy ra thì đi xử lý hậu quả vô cùng to lớn. Vừa rồi Quốc hội cũng thông qua Luật Bảo hiểm xã hội, giao Chính phủ quy định các quy định liên quan quỹ hưu trí tự nguyện. Khi quy định rõ ràng được thực thi, khuyến khích để huy động từ quỹ này trở thành nguồn lực đầu tư trên thị trường. Đây là dư địa rất lớn", Thứ trưởng Chi nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, đại diện Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán cho biết trong gần 20 năm qua, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán đã xây dựng được một cộng đồng sinh hoạt nghề nghiệp cho các thành viên là những phóng viên, biên tập viên chuyên về lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, góp sức tạo ra cầu nối hữu ích giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các thành viên thị trường và nhà đầu tư với giới truyền thông.
Từ đó góp sức tích cực thông tin, tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Cách đây 3 năm, khi Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán kỷ niệm 15 năm ngày thành lập và đặt ra một quyết tâm đổi mới trong các hoạt động sinh hoạt nghiệp vụ. Đó là tổ chức Diễn đàn thường niên vào tháng 7 với tên gọi: ĐỐI THOẠI THÁNG 7, nhằm kết nối các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp với một hoặc một số vấn đề cần quan tâm, giải quyết trên thị trường vốn Việt Nam.
Năm nay là năm thứ 2, Đối thoại tháng 7 được tổ chức và chủ đề: “Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức”, bởi chưa lúc nào câu chuyện nâng hạng lại nóng như vậy, khi có được sự chỉ đạo xuyên suốt từ cấp lãnh đạo cao nhất.
Tuy nhiên nâng hạng chỉ là sự khởi đầu và sau đó là một quá trình duy trì cũng như nâng cấp chất lượng để thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự trở thành một thị trường mới nổi đúng nghĩa, đặc biệt là việc phát triển nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp.
Tham dự cuộc đối thoại tháng 7 năm nay, có sự hiện diện của các đại biểu là lãnh đạo các cơ quan quản lý đang quản lý và chỉ đạo lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban chứng khoán Nhà nước; có các thành viên thị trường chứng khoán: các sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty lưu ký và Bù trừ chứng khoán, các công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp niêm yết; các hiệp hội ngành nghề.
Ban tổ chức kỳ vọng sẽ có những ý kiến, đề xuất hiệu quả cũng như những phản hồi từ góc độ quản lý để thị trường có thể nhìn thấy những tín hiệu cụ thể.