Thủ tướng: “Bận cỡ nào, hàng ngày tôi cũng đọc báo”
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của báo chí thời gian qua, trong việc phản ánh các vấn đề nóng
“Dù bận đến cỡ nào, hàng ngày tôi cũng đọc lướt tin tức trên các báo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với các chính sách của Chính phủ, để qua đó góp phần xây dựng một chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, phục vụ nhân dân”.
Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp đại diện các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, ngày 21/6.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước sự lớn mạnh của báo chí trong nước, với hơn 800 cơ quan báo chí, hơn 20.000 người đang làm việc trong các cơ quan báo chí, trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ... Thay mặt Chính phủ, ông gửi tới những người làm báo cả nước lời chúc tốt đẹp nhất.
Song, Thủ tướng cũng lưu ý cần thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức với báo chí. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, các tòa soạn báo in đối mặt với sự sụt giảm doanh thu. Nhưng ngay các báo điện tử cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội…
Đặc biệt, theo Thủ tướng, sự phát triển vượt bậc của công nghệ yêu cầu phải có một cuộc cách mạng mới trong nghề báo, từ báo in, báo hình, báo nói, đến báo điện tử và tiến tới là mạng xã hội.
Báo chí cần liên tục đổi mới, sáng tạo để tìm ra hướng đi mới, nội dung mới, phương pháp làm báo mới, cách đưa tin mới thì mới đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân. Sự thành công của báo chí, thông tin truyền thông có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, xây dựng và phát triển đất nước, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Khả năng tiếp cận Internet đã mang tới cho người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc, cơ hội tiếp cận thông tin truyền thông nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả. Tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt 49 triệu dân, chiếm 52% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á, thứ 13 thế giới. Số thuê bao 3G đạt trên 36 triệu. Có thể nói truyền thông và Internet đã trở thành công cụ hữu ích hỗ trợ người dân, nhất là nông dân làm kinh tế, kết nối và hợp tác”, Thủ tướng nhấn mạnh.
“Tôi thực sự trân trọng tinh thần lao động hăng say, đầy nhiệt huyết, trách nhiệm của các phóng viên trước mỗi sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội...”, ông nói. “Tôi cũng chia sẻ những vất vả của công việc với đồng lương còn khiêm tốn của các nhà báo, phải rất bản lĩnh để tránh cám dỗ của mặt trái thị trường”.
Ông cũng đánh giá cao nỗ lực của báo chí thời gian qua, trong việc phản ánh các vấn đề nóng như tham nhũng, lãng phí, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông…, hay vụ cá chết ở các tỉnh miền Trung. “Hàng loạt vụ án tham nhũng, hàng loạt tiêu cực không phải do cơ quan chức năng phát hiện mà là do báo chí khơi ra. Nhiều gương làm giàu, vượt khó của nông dân cũng nhờ đọc, xem thông tin trên báo chí”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ chưa hài lòng khi vẫn còn một số bài báo gây hoang mang cho xã hội, doanh nghiệp, nông dân điêu đứng vì thông tin giật gân, không đúng sự thật. Đây là những việc phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ, Thủ tướng nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”.
Ông cũng đề nghị, cùng với việc khen thưởng thành tích tốt, cũng cần xử lý nghiêm những sai phạm trong hoạt động báo chí. Báo chí cần làm tốt công tác tuyên truyền và phản biện cho hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính các cấp. Cùng chung tay xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại; xây dựng Chính phủ, bộ máy hành chính các cấp liêm chính, minh bạch, hiệu lực hiệu quả; tập trung vào cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Cuối bài phát biểu, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành với báo chí, với mỗi một nhà báo, phóng viên, trên con đường khó khăn nhưng đầy ý nghĩa nói trên.