Thủ tướng đề nghị Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam
Ngày 11/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến với Thủ tướng Quốc Vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường...
Tại cuộc gặp, trong không khí tình cảm, tin cậy, thực chất và cởi mở, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những tiến triển tích cực trong quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua, đặc biệt là thành công tốt đẹp và tầm quan trọng đặc biệt của chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 01/11/2022).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng thành công của Đại hội lần thứ 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc; bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình làm hạt nhân, nhân dân Trung Quốc sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XX đã đề ra.
Thủ tướng khẳng định, là hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đi sâu hội nhập quốc tế hiệu quả.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh hai bên sẽ tiếp tục cụ thể hóa và đưa "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc" đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành những kết quả cụ thể; nhất trí tăng cường giao lưu tiếp xúc cấp cao và các cấp, tăng cường hợp tác hiệu quả, thực chất, cùng có lợi trên các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thúc đẩy thương mại phát triển cân bằng, đặc biệt là duy trì giao thương thông suốt tại các cửa khẩu, tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần để người dân hai bên ăn Tết ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng mong muốn hai bên tăng cường kết nối đường sắt, nâng lượng hàng hóa Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc sang nước thứ ba; sớm phê duyệt việc mở cửa, nâng cấp một số cửa khẩu và các dự án kết nối giao thông ở khu vực biên giới; nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư, tích cực tháo gỡ các khó khăn còn tồn đọng trong một số dự án hợp tác như Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc.
Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm điều tiết kinh tế vĩ mô, nâng tầm hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ứng phó hiệu quả với các thách thức mới nổi như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu…
Thủ tướng Lý Khắc Cường đánh giá cao và nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước; khẳng định sẽ hợp tác để giải quyết vấn đề nhập siêu, thúc đẩy thương mại lành mạnh trên tinh thần hai bên cùng có lợi, mở cửa thị trường hơn nữa đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông sản; bảo đảm tạo thuận lợi cho việc thông quan; đặc biệt sẽ không để tái diễn tình trạng hàng nông sản của Việt Nam bị ùn tắc, hư hỏng tại cửa khẩu.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, phát huy ưu thế của mỗi bên để cùng mở rộng khai thác thị trường thế giới. Đối với việc giải quyết các vướng mắc còn tồn đọng trong một số dự án hợp tác như Thủ tướng ta đã nêu, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, đề nghị hai bên thành lập Nhóm công tác để phối hợp tháo gỡ. Bên cạnh đó, Trung Quốc sẵn sàng tạo điều kiện cho lưu học sinh Việt Nam trở lại Trung Quốc, nối lại thêm các chuyến bay thương mại giữa hai bên.
Hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; nhất trí thúc đẩy mở rộng điểm đồng, xử lý thỏa đáng bất đồng trên cơ sở bình đẳng và hợp tác, tiếp tục phát huy tốt các cơ chế đàm phán về phân định và hợp tác trên biển; thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC, phấn đấu xây dựng COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển bền vững ở Biển Đông và khu vực.