Thủ tướng: Không để "tháng Giêng là tháng ăn chơi", nhiều việc phải làm hiệu quả trong Tết
Ngày 28/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2022. Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1, các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới và dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Tại cuộc họp, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc, tiếp tục quỹ đạo phục hồi nhờ những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
SỐ DOANH NGHIỆP ĐĂNG KÝ MỚI VÀ TRỞ LẠI TĂNG CAO NHẤT TỪ TRƯỚC TỚI NAY
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước và 1,94% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát cơ bản tăng 0,66% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản tốt. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước tháng 1 ước đạt 183.500 tỷ đồng, bằng 13% dự toán năm và bằng 96,8% cùng kỳ năm 2021.
Về đầu tư phát triển, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 đến hết ngày 31/1/2022 đạt 12.950 tỷ đồng, đạt 2,5% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 3,25%).
Tính đến hết ngày 20/1, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) ước đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI trong tháng ước đạt trên 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 1/2022 tiếp tục đà phục hồi tích cực, thể hiện kỳ vọng và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2022. Trong tháng, cả nước có hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2021 và có hơn 19.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 194%...
Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Tháng 1 ghi nhận số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường tăng 28,9% và 194% so với cùng kỳ; theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là mức cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, nhận định biến chủng Omicron lây lan rất nhanh, có thể xuất hiện các chủng mới, ca nhiễm cộng đồng vẫn tăng ở nhiều địa phương, nguy cơ dịch bệnh cao trong dịp Tết, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; làm tốt công tác dự báo và chuẩn bị sẵn sàng để không bị động, lúng túng, bất ngờ.
CHUẨN BỊ TÂM THẾ, KHÔNG ĐỂ BỊ ĐỘNG BẤT NGỜ
Nhận định tình hình sắp tới có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, chưa dự báo hết được những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tâm thế, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp ở mức cao hơn bình thường.
"Trước hết, phải chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết theo tinh thần tình nghĩa, tri ân, an toàn, lành mạnh, vui tươi, phấn khởi, hạnh phúc và tiết kiệm. Chú ý rà soát lại tình hình đời sống những người có công, hộ nghèo, các gia đình bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, các cháu mồ côi, công nhân lao động, đồng bào vùng sâu, vùng xa và cả người lang thang cơ nhỡ ở các đô thị để có giải pháp phù hợp", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, ban hành và triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Các bộ ngành phân công ứng trực Tết phù hợp, khoa học để xử lý ngay, hiệu quả các vấn đề có thể xảy ra. Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; không dự các lễ hội nếu không được phân công; không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi... Tổ chức "Tết trồng cây" thiết thực, hiệu quả, gắn với kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, tiếp tục thực hiện chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, bảo đảm đúng tiến độ, nâng cao chất lượng và tiết kiệm. Đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ, xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đầu tư công và tài nguyên môi trường, đặc biệt là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; chỉ đạo quyết liệt triển khai ngay việc thực hiện các dự án đã được giao kế hoạch vốn, nhất là các dự án quan trọng, cấp thiết, đồng thời nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư với các dự án khởi công mới.
Rà soát lại để triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thể chế trong sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dòng tín dụng đúng hướng, Bộ Tài chính kiểm soát việc thực hiện chính sách tài khóa có hiệu quả.
Bộ Công Thương chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện các giải pháp để bảo đảm cung – cầu hàng hóa, cung cấp đủ điện, an toàn, ổn định.
Các bộ ngành luôn luôn chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình để tham mưu, điều chỉnh chính sách kịp thời khi xuất hiện tình huống không bình thường. Thủ tướng lưu ý có giải pháp, sửa đổi quy định phù hợp để xử lý các vấn đề đặt ra với các mỏ vật liệu, bảo đảm nguồn cung ứng vật liệu cho các công trình hạ tầng chiến lược.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất giải pháp, hoàn thiện quy định về quản lý thị trường chứng khoán.
NẾU CỨ CHỜ ĐỢI THÌ SẼ LỠ NHỊP PHÁT TRIỂN
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công bố công khai, cụ thể về việc mở cửa trường học và các hoạt động du lịch, nêu rõ lộ trình, các điều kiện, công việc cần làm, diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm COVID, tinh thần là mở cửa sớm nhất có thể, bảo đảm an toàn, hợp lý, khoa học, hiệu quả, phù hợp tình hình. Các bộ, ngành phối hợp với Bộ Y tế để ban hành quy định phòng chống dịch trong các ngành, thống nhất thực hiện trên toàn quốc, giám sát, kiểm tra để thực hiện hiệu quả.
"Khi chưa có đủ vaccine thì chúng ta buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính và điều này ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế - xã hội. Đến nay, khi đã đạt độ bao phủ vaccine, đúc kết được các kinh nghiệm, công thức, phương châm phòng chống dịch, chúng ta mạnh dạn, tự tin mở cửa trở lại. Trong khó khăn, không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tối ưu, nếu cứ chờ đợi thì sẽ lỡ nhịp phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo hơn nữa. Bộ Công an đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử; kết nối liên thông dữ liệu với các bộ, ban, ngành.
Các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết. Tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng.
"Chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về quản lý hoạt động đi lại của người dân trong dịp Tết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nơi nào tự ý đặt các quy định, yêu cầu riêng trái với quy định, hướng dẫn chung thì các bộ ngành phải kiểm tra, xử lý. Phối hợp, tham gia đón người dân từ các nơi trở về an toàn, không ngăn sông cấm chợ và trở lại làm việc sau Tết", Thủ tướng quán triệt.
Trong khó khăn, không có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có giải pháp tối ưu, nếu cứ chờ đợi thì sẽ lỡ nhịp phát triển.
THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH
Bộ Y tế ngoài công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần đảm bảo khám, chữa bệnh và các công việc thường xuyên.
Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Bộ Quốc phòng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Bộ Công an giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bộ Ngoại giao bám sát và chủ động thực hiện hiệu quả các chương trình ngoại giao cấp cao phù hợp tình hình. Tinh thần là giữ nước từ xa, từ sớm, từ khi chưa có nguy cơ và tranh thủ các nguồn lực để xây dựng, phát triển đất nước.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đấu tranh, phản bác, bóc gỡ thông tin xuyên tạc, kích động, sai sự thật, xử lý nghiêm các vi phạm.
Về chương trình phụ hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng đề nghị các bộ tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện trên cơ sở bám sát kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan. Tinh thần là phục hồi nhanh, phát triển bền vững, các nhiệm vụ, lộ trình cụ thể, rõ ràng để kiểm tra, giám sát.
Thủ tướng lưu ý, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải bám sát diễn biến tình hình để chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tháng 2 tốt hơn tháng 1, năm 2022 tốt hơn năm 2021.