Thủ tướng: Xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra dịch bệnh, trì trệ sản xuất do nguyên nhân chủ quan

Tiến Dũng
Chia sẻ

Theo Thủ tướng, nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế - xã hội do nguyên nhân chủ quan, thì dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp khẩn với các tỉnh biên giới phía Tây Nam - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp khẩn với các tỉnh biên giới phía Tây Nam - Ảnh: VGP

Ngày 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp cùng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và một số Bộ trưởng kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một số địa phương  ở biên giới phía Tây Nam.

Tại cuộc họp khẩn ngay sau đó, Thủ tướng nêu rõ: "Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế-xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Chúng ta không thể lơ là, chậm trễ thêm nữa".

XÂY DỰNG KỊCH BẢN CÁCH LY SỐ LƯỢNG LỚN, KIỂM SOÁT BIÊN GIỚI

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang… cho biết, ngay từ khi xảy ra đợt dịch, các địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo phòng, chống dịch của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế. 

Theo đó, các địa phương đã đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, bảo đảm an toàn cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo phòng, chống dịch là“thần tốc, thần tốc hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo phòng, chống dịch là“thần tốc, thần tốc hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lãnh đạo các tỉnh đã kiến nghị Chính phủ một số nội dung liên quan đến vấn đề trao trả người nước ngoài nhập cảnh trái phép đã hết thời gian cách ly; tạo thêm nguồn lực để triển khai hỗ trợ kiều bào tại Campuchia; điều kiện để bảo đảm tổ chức cách ly khi kiều bào từ Campuchia về nước….

Từ điểm cầu Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần phải xây dựng kịch bản cách ly số lượng lớn trong thời gian ngắn. Việc này nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức không hiệu quả như trường hợp Hải Dương khi cách ly 3.000 người trong một đêm và "xử lý cả tháng không xong". Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lực lượng quân đội tiếp tục hoàn thiện các kịch bản để điều tiết người cách ly.

Do các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa có kinh nghiệm với các đợt bùng dịch, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tỉnh yêu cầu Sở Y tế xây dựng và báo cáo phương án ứng phó với kịch bản xấu nhất.

Về vấn đề quản lý xuất nhập cảnh trái phép, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh chủ động và tăng cường lắp camera giám sát không chỉ ở tuyến biên giới, mà cả ở khu vực đô thị, đầu mối giao thông, những nơi nguy cơ cao… để khi cần sẽ truy vết nhanh được.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dự họp tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dự họp tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: VGP/Đình Nam

Từ điểm cầu Tây Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết kết quả kiểm tra thực tế những ngày qua cho thấy cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hết sức quyết liệt, quản lý chặt chẽ biên giới, các chốt kiểm soát được bố trí dầy đặc, tăng cường quân, lực lượng liên hợp… nên đã ngăn chặn khá tốt tình trạng nhập cảnh trái phép.

Phó Thủ tướng Thường thực nhấn mạnh hiện tại tình hình đã được kiểm soát nhưng áp lực rất lớn do đặc thù “bước qua dòng sông, cánh đồng là qua biên giới” của tuyến biên giới Tây Nam… Do đó, Phó thủ tướng Thường trực yêu cầu tiếp tục tăng cường nhân lực, phương tiện, hỗ trợ vật chất, kịp thời động viên tinh thần đối với các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.

Về kiểm soát, xử lý đối tượng nhập cảnh trái phép, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu thực trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép từ phía Bắc đi vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tìm đường sang Campuchia, do đó, cần phải xử lý triệt để, chủ động ngăn chặn, triệt phá các đường dây nhập cảnh trái phép… Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để cơ sở thực hiện tốt 5K, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.

8 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Xác định rõ các nguyên nhân, Thủ tướng nhấn mạnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện những tính chất mới hơn, có những đặc thù diễn biến nhanh hơn và phức tạp hơn. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Tây Nam, khu vực Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang.  Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới Tây Nam, khu vực Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang.  Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng cho biết thời gian qua, tại một số địa phương có tình trạng chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện không đúng quy trình, quy định, thậm chí người đứng đầu còn có những lúc lơ là, chủ quan, thậm chí phân công nhiệm vụ, trách nhiệm không rõ ràng.

"Đến khi có dịch thì lúng túng, hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan làm cho nhân dân hoang mang, sản xuất kinh doanh trì trệ. Cần phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan toàn quốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Thủ tướng đưa ra 8 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch. 

Thứ nhất, các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm và có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí Thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ dạo quốc gia, hướng dẫn của Bộ Y tế…

"Tiếp tục phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, thần tốc hơn nữa; tích cực, tích cực hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa; thành công, thành công hơn nữa", Thủ tướng chỉ đạo. "Có như vậy chúng ta mới ngăn chặn được dịch bệnh, đảm bảo “mục tiêu kép”, thực hiện tốt cuộc bầu cử, kết thúc năm học 2020-2021. Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải vào cuộc".

Thứ hai, các địa phương đặc biệt không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phát hiện sớm, xét nghiệm diện rộng, truy vết thần tốc, cách ly thật nhanh, điều trị tích cực, bàn giao, quản lý sau điều trị chặt chẽ, giải quyết dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh các ổ dịch mới, nhanh chóng ổn định tình hình, tổ chức tốt công tác khắc phục hậu quả, phát triển kinh tế, xã hội.

Thứ ba, các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, nhất là nhập cảnh và cư trú trái phép, xử lý đối tượng cư trú trái phép, chống buôn lậu và nhập khẩu qua biên giới…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về tình hình phân bổ các chốt kiểm soát của Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe báo cáo về tình hình phân bổ các chốt kiểm soát của Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang - Ảnh: VGP

Thứ tư, phải chuẩn bị cho kịch bản cả nước có 30.000 người nhiễm và điều trị trên toàn quốc, dịch bệnh đã hiện hữu, không còn là dự báo.

Thứ năm, Bộ Y tế, các địa phương, cơ quan đơn vị đề xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, có hiệu quả, xả thân vì công tác chống dịch.

"Đồng thời, phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, vừa có tính chất động viên, truyền cảm hứng nhưng đồng thời cũng xử lý nghiêm minh có tính răn đe, có vậy sự lãnh đạo, chỉ đạo mới có hiệu quả”, Thủ tướng chỉ đạo.

Tại cuộc họp, Thủ tướng biểu dương tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua kiên quyết xử lý, trong khi đó phê bình Phó Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo huyện Bình Xuyên do lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.

Thứ sáu, Bộ Y tế tiếp tục nhập vaccine, thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước, truyên truyền, giải thích cụ thể về tiêm vaccine không để cho các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc, chống phá.

Thứ bảy, thường trực cấp uỷ, tổ chức đảng, đặc biệt Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND các cấp phải tích cực vào cuộc, tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch, phát triển kinh tế, xã hội theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư.

“Nơi nào để xảy ra dịch bệnh diện rộng, không thể tổ chức bầu cử, trì trệ kinh tế-xã hội do nguyên nhân chủ quan, dứt khoát phải xử lý người đứng đầu các cấp. Lơ là, chủ quan, mất cảnh giác là trả giá đắt cho xã hội, cho hệ thống chính trị, sức khoẻ người người dân, cho lợi ích quốc gia, dân tộc, và người có trách nhiệm cũng phải trả giá”, Thủ tướng nêu rõ.

Thứ tám, Thủ tướng yêu cầu các địa phương có kịch bản đảm bảo cuộc bầu cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; kết thúc năm học 2020-2021 đúng luật, có hiệu quả; nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung cho sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống của nhân dân.

Các bộ ngành, địa phương rà soát tác động của các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trên cơ sở đó có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phù hợp đảm bảo sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh biên giới, bộ ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế tăng cường lực lượng, cơ sở vật chất dự trữ, hỗ trợ các tỉnh biên giới, nhất là các tỉnh biên giới phía Nam để phòng, chống dịch chủ động, hiệu quả.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc điều hành chuyến bay, chuyến tàu, phương tiện vận tải hợp lý, không trì trệ, ách tắc, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch hiện nay.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo nghiên cứu sử dụng công nghệ, vật liệu mới để triển khai nhanh việc xây dựng các khu nhà, bệnh viện dã chiến khi có tình huống.

Với các cơ quan báo chí, tuyên truyền, Thủ tướng yêu cầu vào cuộc với tinh thần tấn công, “thần tốc, thần tốc hơn nữa, hiệu quả, hiệu quả hơn nữa, thành công, thành công hơn nữa”.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con