Thừa Thiên Huế đang trở thành “cứ điểm” của nhiều tập đoàn lớn
Thừa Thiên Huế đã trở thành điểm đến của một số tập đoàn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Carlsberg (Đan Mạch), Banyan Tree (Singapore), HBI (Hoa Kỳ), Scavi (Pháp)...
Trong bối cảnh kinh tế phục hồi sau đại dịch, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn; song, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thừa Thiên Huế trong năm 2023 vẫn đạt 7,03%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước (ước đạt 4,7-5,8%).
Thu ngân sách nhà nước của địa phương này ước đạt 11.000 tỷ đồng, vượt 10,8% dự toán; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD, tăng 6,85% so với cùng kỳ, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.
Để đạt được các kết quả nêu trên, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh.
Năm 2023, doanh thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 1,4 tỷ USD, đóng góp trên 10% GRDP toàn tỉnh, nộp ngân sách ước đạt 4.370 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ; chiếm tỷ trọng 38,5% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh; trong đó, riêng đóng góp của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam là 3.500 tỷ đồng, chiếm 86,4% trong tổng thu ngân sách của khu vực đầu tư nước ngoài.
Tình hình thu hút các dự án FDI trong năm 2023 đạt được một số kết quả đáng khích lệ, toàn tỉnh cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 141,8 triệu USD (tương đương 3.391 tỷ đồng), trong đó, một số dự án lớn nổi bật như: Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza ( liên doanh với Ý) vốn đầu tư đăng ký 91.111.000 USD; Dự án nhà máy sản xuất keo, chất kết dính và sản phẩm làm từ nhựa Okura Việt Nam (Nhật Bản) vốn đầu tư đăng ký 12.500.000 USD; Dự án Trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon-Huế (Nhật Bản) vốn đầu tư đăng ký 6.800.600 USD... Lũy tiến đến nay trên địa bàn tỉnh có 126 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,5 tỷ USD.
Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, khu vực đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành điểm đến của một số tập đoàn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Carlsberg (Đan Mạch), Banyan Tree (Singapore), HBI (Hoa Kỳ), Scavi (Pháp), Luks ciment (Hồng Kông), CP (Thái Lan), Caribbean Cruise (Hoa Kỳ), Baosteel (Trung Quốc), SBH (Tây Ban Nha), AeonMall (Nhật Bản), Kanglongda (Trung Quốc)… với những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó góp phần ngày càng nâng cao vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế trong nước và trên thế giới.
Tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên chú trọng đến việc hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư. Các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức và quy mô khác nhau: Tham dự Diễn đàn với chủ đề: “Đột phá cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên: tăng trưởng xanh và chuyển đổi số trong chiến lược phát triển bền vững” do Bộ Ngoại Giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng.
Tham dự “Hội nghị sơ kết, tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ - Duyên hải Trung Bộ, vùng Trung du - miền núi Bắc Bộ và vùng Đồng bằng Sông Hồng” tại Tỉnh Nghệ An; Tham dự Tọa đàm với Đoàn Đại học kinh doanh Copenhaghen chia sẻ một số bài học liên quan đến chiến lược phát triển và thu hút vốn đầu tư nước ngoài...
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp, tham dự các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài và ký kết các thoả thuận hợp tác về xúc tiến đầu tư với các tổ chức, hiệp hội tại nước sở tại như: “Chương trình quảng bá địa phương tại Nhật Bản và Hàn Quốc năm 2023”; tham gia Chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác nhiều mặt Việt Nam - vùng Kyushu” tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản...
Đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện địa phương đang tập trung thu hút đầu tư trên cơ sở chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao. Đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư ngoài nước vào sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu.
Tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ, tích cực hỗ trợ triển khai, khởi công các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, trong đó chú trọng các dự án lớn, tạo giá trị gia tăng, nguồn thu ngân sách,…có tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật - công nghệ, luật, tài chính...Nâng cao năng lực và đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án logistic và cảng biển để tăng tính chủ động trong việc lưu thông hàng hóa. Tiếp tục thực hiện, triển khai Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND ngày 7/9/2022 và Nghị quyết điều chỉnh 25/2022/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến cảng Chân Mây.