Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu thu hút hơn 2.000 tỷ vốn đầu tư những tháng cuối năm
Thừa Thiên Huế tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp, phấn đấu 6 tháng cuối năm thu hút thêm 7 - 10 dự án công nghiệp, đầu tư kinh doanh hạ tầng, nông sản và một số dự án thứ cấp...
Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Kỳ họp lần thứ 8, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo thông tin tại kỳ họp này, tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP ước đạt hơn 19.599 tỷ đồng, tăng 6,01% so với cùng kỳ; xếp thứ 10/14 các tỉnh/thành Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, xếp thứ 36/63 tỉnh/thành cả nước. Quy mô nền kinh tế hơn 37.935 tỷ đồng.
Trong đó, khu vực dịch vụ tăng trưởng khá với mức tăng 6,95%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,22%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 2,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,53%…
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thừa Thiên Huế trong 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán, bằng 44,1% so với chỉ tiêu phấn đấu và tăng 21,2% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách này nước ước đạt 6.198 tỷ đồng, bằng 39% dự toán, trong đó, tỉnh này chi đầu tư phát triển ước đạt 2.078 tỷ đồng, bằng 35% dự toán.
Đến ngày 13/6/2024 tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải ngân vốn đầu tư công hơn 1.802 tỷ đồng/6.257,879 tỷ đồng, đạt 28,8% kế hoạch.
Cụ thể, vốn ngân sách địa phương tỉnh này đã giải ngân 1.105,424 tỷ đồng/4.342,226 tỷ đồng, đạt 25,5% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương trong nước đã giải ngân 451,274 tỷ đồng/1.340,653 tỷ đồng, đạt 33,7% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương nước ngoài (ODA): giải ngân 245,505 tỷ đồng/575 tỷ đồng, đạt 42,7% kế hoạch.
Kỳ họp lần này, trên cơ sở xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết do Thường trực HĐND và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trình kỳ họp, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết nghị thông qua 19 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025; về phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án; bổ sung danh mục công trình, dự án thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh năm 2024 và các nghị quyết quan trọng khác.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh này tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp, phấn đấu 6 tháng cuối năm thu hút thêm 7 - 10 dự án công nghiệp, đầu tư kinh doanh hạ tầng, nông sản và một số dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế này chỉ đạo tập trung rà soát, đôn đốc các quy hoạch, đề án, dự án đã đề ra trong chương trình công tác năm 2024 để chỉ đạo thực hiện bảo đảm chất lượng và tiến độ. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động kịch bản tăng trưởng nhằm bảo đảm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm.
Đồng thời, căn cứ tình hình, kết quả thực hiện đến nay để sớm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 theo tinh thần Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục rà soát, giám sát đặc biệt và kiên quyết thu hồi đối với các dự án chậm tiến độ để xúc tiến, chuyển đổi nhà đầu tư, nhất là các dự án được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, kiểm tra. Tập trung nguồn lực, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động, trọng tâm là Nhà máy Kanglongda Huế, dự án Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế giai đoạn 2, Dự án Trung tâm Thương mại Aeon Mall Huế, các dự án tại đô thị mới An Vân Dương, dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng ven biển, đầm phá...
Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao năm 2024.