Thừa Thiên Huế giải quyết việc làm cho gần 4.500 người lao động
Trong quý I/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 40 doanh nghiệp cần tuyển dụng vị trí việc làm và học nghề, tập trung ở một số ngành nghề như du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, kinh doanh, Marketing, bán hàng, may mặc, dệt đan, se sợi...
Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 3/2024, toàn tỉnh này đã giải giải quyết việc làm cho 1.695 người lao động, đưa 298 người đi lao động làm việc nước ngoài. Lũy kế từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên Huế đã giải quyết việc làm cho gần 4.500 người lao động, đạt 26,2% so với kế hoạch, tăng 20,1% so với cùng kỳ; trong đó, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 729 người, đạt 35,6 % so với kế hoạch năm.
Đồng thời, Thừa Thiên Huế quan tâm giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho các đối tượng; tính đến ngày 20/3/2024, số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp 1.429 người, giảm 15,1% so với cùng kỳ; số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp: 1.270 người, giảm 7,2%; số người được hỗ trợ học nghề: 202 người, tăng 39,3%. Đã chi trợ cấp thất nghiệp 23.851 triệu đồng; chi hỗ trợ học nghề: 965,3 triệu đồng.
Trong quý 1, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tuyển sinh 1.800 người (đạt 10,6% kế hoạch), trong đó chủ yếu là trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 40 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, với hơn 9.000 vị trí việc làm và học nghề. Trong số đó, có 18 đơn vị cần tuyển 5.532 lao động có trình độ sơ cấp nghề, lao động phổ thông; 24 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng 3.525 lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh này liên tục đăng tải thông tin tuyển lao động ở các lĩnh vực may mặc, da giày, công nghiệp chế biến, lắp ráp... để tăng cường cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau Tết Nguyên đán. Nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp rộng khắp, đa dạng ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ lao động phổ thông, có tay nghề, đến trình độ cao.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, tình hình kinh tế tỉnh này tiếp tục ổn định và tăng trưởng sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập, tạo động lực cho thị trường lao động được mở rộng sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2024 tăng khoảng 10%, tập trung ở một số ngành nghề như du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, kinh doanh, Marketing, bán hàng, may mặc, dệt đan, se sợi.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế cũng cho biết thêm, hiện nay, các thông tin về việc làm khác với những năm trước đây. Trước đây, cơ hội việc làm tập trung về các khu công nghiệp ở Bình Dương, Biên Hòa, các tỉnh thành phía Nam. Hiện nay, tại tỉnh Thừa Thiên Huế các dự án rất nhiều, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất cao. Các doanh nghiệp ở Huế dần dần đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Doanh nghiệp cũng có các chính sách tốt để giữ lao động.
Cũng theo quan sát của các tổ chức công đoàn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đưa ra mức lương, thưởng phù hợp, các chính sách, phúc lợi như: xe đưa đón, hỗ trợ cơm trưa, tối (nếu tăng ca), thưởng lễ, Tết, danh hiệu thi đua theo hiệu quả sản xuất, kinh doanh… Đây sẽ là động lực giúp người lao động tin tưởng, yên tâm thi đua lao động sản xuất.
Năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu giải quyết việc làm tối thiểu cho 17.000 lao động. Cụ thể, hơn 12.400 lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp; 2.500 lao động có việc làm thông qua các dự án vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh từ Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn vốn tín dụng ưu đãi khác và đưa hơn 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.