Thúc đẩy thương mại hóa tài sản nghiên cứu, sáng chế
Quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được coi là một trong những cơ chế đột phá. Nhưng để thúc đẩy thương mại hóa các tài sản nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng cần tháo gỡ một số điểm nghẽn...
Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, số lượng đơn sở hữu công nghiệp đăng ký thời gian qua liên tục tăng, ngay cả trong thời điểm Covid-19 diễn ra. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Sở hữu trí tuệ đã nhận khoảng 41.000 đơn, trong đó xử lý được gần 51.000 đơn. Nếu như trước đây, số lượng đơn xử lý theo kỳ thường không bằng số đơn nhận vào nhưng hiện nay, dần dần số lượng đơn xử lý trong kỳ luôn cao hơn số đơn nhận vào.
ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ VÀ GIẢI PHÁP HỮU ÍCH TĂNG MẠNH
Trong giai đoạn 10 năm (2014-2023), tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam là 9,8%/năm. Các chủ thể nước ngoài có số đơn đăng ký sáng chế là 60.517 đơn, cao hơn gấp 7 lần so với chủ thể Việt Nam (7.560 đơn).
Cụ thể, năm 2014, số lượng đơn đăng ký của các chủ thể Việt Nam chỉ 487 nhưng của chủ thể nước ngoài là 3.960 đơn. Đến năm 2023, lượng đơn của chủ thể Việt Nam là 991, trong khi của chủ thể nước ngoài là 8.469 đơn.
Tuy nhiên, tổng số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích trong 1 thập kỷ qua của chủ thể Việt Nam lớn gấp hơn 1,3 lần so với đơn của chủ thể nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký giải pháp hữu ích của chủ thể Việt Nam là 12%/năm, cũng cao hơn so với tốc độ tăng của chủ thể nước ngoài (9,4%).
Về đơn đăng ký chuyển giao quyền sử dụng và quyền sở hữu đã nộp giai đoạn từ 2014-2023, số đơn đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là 1.805 đơn; còn số đơn đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp là 11.757 đơn.
Như vậy, trong 10 năm qua, có tổng số 13.350 đơn đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng và chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp.
Từ thực tế những năm qua, các chủ thể Việt Nam chủ yếu là đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; số lượng sáng chế chỉ bằng 1/7 so với chủ thể nước ngoài. Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động (thông qua việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng và nhãn hiệu) nhưng chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao, hoạt động nghiên cứu ứng dụng và nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng tạo ra công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế…
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho rằng trừ những nước phát triển khoa học và công nghệ (như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada) và một số nước châu Âu có số đơn sáng chế của người trong nước nộp nhiều hơn người nước ngoài, còn các nước đang phát triển đều chung tình trạng tỷ lệ đơn của người trong nước so với người nộp đơn nước ngoài nộp chỉ bằng 1/6 đến 1/10, thậm chí thấp hơn nữa.
Ví dụ năm 2023, ở Brazil, tỷ lệ đơn đăng ký sáng chế của người trong nước so với người nước ngoài là 1/5; ở Indonesia là 1/6; Malaysia và Philippines là 1/8; Thái Lan là 1/10…
VAI TRÒ CỦA VIỆN HÀN LÂM KH&CN VIỆT NAM
Là một trong những đơn vị hàng đầu nghiên cứu của cả nước, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam cho biết trong những năm qua số lượng sáng chế và giải pháp hữu ích của Viện liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước, với mức tăng hơn 5%/năm. Số sáng chế và giải pháp hữu ích của Viện hiện đứng đầu cả nước; đồng thời, chiếm tỷ lệ lớn trong số sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt trong các viện nghiên cứu, trường đại học.
Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã có 53 sáng chế và giải pháp hữu ích, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 21 sáng chế. Trung bình các năm, Viện có từ 40-60 sáng chế, riêng năm 2023 có 73 sáng chế, giải pháp hữu ích.
Việc số lượng văn bằng độc quyền sở hữu trí tuệ của Viện tăng mạnh trong thời gian qua là tín hiệu tích cực thể hiện sự phát triển của tiềm lực khoa học và công nghệ, tính ứng dụng vào thực tiễn và hàm lượng trí tuệ của các kết quả nghiên cứu.
Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, cho rằng sự gia tăng đơn đăng ký bảo hộ cho thấy có sự chuyển biến về nhận thức của các nhà nghiên cứu, sáng chế về tầm quan trọng của việc bảo hộ tài sản trí tuệ, quan tâm hơn việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Điều này góp phần thúc đẩy sáng tạo, thu hút nhiều người tham gia hoạt động sáng tạo phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trên nền tảng công nghệ sáng tạo.
Các sáng chế thể hiện chất lượng, hàm lượng khoa học, tính mới của các kết quả nghiên cứu. Việc ứng dụng các sáng chế vào cuộc sống, hoạt động của doanh nghiệp thời gian qua đã dần tăng lên.
CƠ CHẾ ĐỘT PHÁ THÚC ĐẨY ĐĂNG KÝ, KHAI THÁC SÁNG CHẾ
Chiến lược về Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 của Chính phủ đặt ra các biện pháp nhằm thúc đẩy lượng đơn của người Việt Nam nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ, trong đó có khuyến khích các nhà sáng tạo tạo ra sáng chế, có cơ chế khuyến khích nộp đơn.
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 đã sửa đổi, bổ sung rất rộng từ đăng ký xác lập quyền, khai thác, thương mại hóa đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, luật có những điểm mới quan trọng nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới, sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. “Luật đã quy định trao quyền đăng ký sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng một cách tự động cho các tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước để tạo ra sáng chế”, ông Bảy thông tin.
"Nên trao quyền sở hữu tất cả các kết quả nghiên cứu đó cho các cơ quan chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu để chủ động, dễ dàng hơn trong ứng dụng và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Cùng với đó, có chính sách khuyến khích các nhà nghiên cứu tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, hoặc có thể tham gia làm chủ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Spin-Off) trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của mình".
Đây được coi là một trong những cơ chế có tính đột phá theo nguyên tắc của Luật Bayh-Dole (Hoa Kỳ) năm 1980, giao quyền cho các tổ chức nghiên cứu có thể chủ động đăng ký, đứng tên chủ văn bằng, chủ động khai thác sáng chế khi được cấp bằng.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, các giải pháp tổng thể được đưa ra trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đã và đang được lồng ghép vào các quy định như Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã ban hành và Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi đang trong quá trình đề nghị xây dựng.
Các chuyên gia nhận định, các quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về đăng ký và khai thác sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và giống cây trồng là kết quả từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác thương mại các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích.
PGS.TS. Phan Tiến Dũng nhận xét: việc Luật Sở hữu trí tuệ trao quyền cho các tổ chức nghiên cứu chủ động đăng ký, đứng tên chủ văn bằng, chủ động khai thác sáng chế khi được cấp bằng là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, từ trao quyền đến thương mại hóa sáng chế cần thời gian.
Mặt khác, việc thương mại hóa sáng chế vào cuộc sống cần sự sẵn sàng của doanh nghiệp. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính và năng lực tiếp nhận sáng chế, công nghệ mới còn hạn chế.
Ngoài các viện nghiên cứu, trường đại học, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước đã nghiên cứu, tạo ra các sáng chế, giải pháp hữu ích. Các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của sáng chế, nên đã tập trung đầu tư nghiên cứu, đăng ký bảo hộ quyền. Đây là những tín hiệu tích cực, đặc biệt trong nền kinh tế mở, mức độ cạnh tranh mạnh mẽ. “Khi một kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng cần phải được đăng ký, bảo hộ, để có thể thương mại hóa cao hơn, phát triển thị trường”, ông Dũng nhấn mạnh.
GỠ ĐIỂM NGHẼN, THÚC ĐẨY THƯƠNG MẠI
Các chuyên gia cho rằng để đẩy mạnh việc đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào ứng dụng trong thực tế, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, cụ thể là sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, Việt Nam nên tiếp cận với các chính sách ưu việt của các nước đã phát triển thành công.
Quy định mới của Luật Sở hữu trí tuệ đã trao quyền cho các đơn vị nghiên cứu đăng ký quyền sở hữu. Tuy nhiên, còn nhiều đề tài, kết quả nghiên cứu khác có khả năng ứng dụng nhưng chưa đăng ký sở hữu trí tuệ...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2024 phát hành ngày 22/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam