Thực trạng rượu, bia dịp Tết và cách nhận biết rượu giả
Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Đây cũng là thời điểm thị trường hàng hóa sôi động, đặc biệt là mặt hàng rượu bia. Vậy làm sao để quản lý chất lượng rượu bia trong dịp Tết sắp tới? Và cách nào để người tiêu dùng mua được hàng thật, đảm bảo chất lượng?
Theo chia sẻ của nhiều người bán hàng, trước Tết khoảng 1 tháng, mọi người bắt đầu đặt mua rượu, bia rất nhiều, họ để dùng tại nhà hoặc để biếu. Theo thống kê của Bộ công thương, có khoảng 300 triệu lít rượu bia tung ra thị trường, để phục vụ dịp tết Nguyên đán năm 2018 và lượng cầu năm nay cũng không giảm.
Lo ngại về chất lượng Theo chia sẻ của người tiêu dùng, nhu cầu rượu bia tăng cao vào dịp đầu năm mới, đặc biệt là rượu ngoại, nhưng đi kèm với nó là nỗi lo về chất lượng. Đã có nhiều vụ làm rượu giả tinh vi, bị các cơ quan chức năng bắt giữ khiến người dân không biết phân biệt, đâu là rượu thật đâu là rượu giả. Rượu giả vào thị trường Việt Nam bằng 3 con đường, qua các đầu mối được cấp phép nhập khẩu, nguồn hàng xách tay và hàng tiểu ngạch qua cửa khẩu. Trong 3 nguồn đó, rượu ngoại giả qua đường tiểu ngạch chiếm hơn 80 %. Nhiều vụ rượu ngoại giả sản xuất trong nước bằng việc nhập vỏ chai, nhãn mác, bao bì và vỏ tem nhưng hiện nay tình trạng rượu giả trong nội địa đã giảm, chủ yếu là rượu ngoại giả ngay từ nước ngoài. Theo ông Đỗ Thanh Lam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam, các dịp lễ, Tết, mặt hàng tiêu dùng, trong đó rượu bia có nhu cầu cao. Do vậy, một lượng lớn hàng hóa, được các tổ chức, cá nhân kinh doanh tung ra thị trường đặc biệt là rượu và bia. Bên cạnh các đơn vị chấp hành tốt các quy định của luật pháp cũng còn không ít các đối tượng vì lợi nhuận mà bất chấp thủ đoạn, sức khỏe của người tiêu dùng vi phạm pháp luật. Những ngày cuối năm 2018, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện và thu giữ hơn 3.000 chai rượu ngoại nhập lậu. Khi kiểm tra chưa có hóa đơn chứng từ chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Ngay trong tháng 12, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện và thu giữ 5.000 chai rượu sản xuất trong nước chưa dán tem. Hàng loạt các vụ hàng giả hàng kém chất lượng cũng đã được phát hiện và xử lý ở Quảng Bình, Quảng Trị , Vĩnh Phúc, Đà Nẵng… Quản lý và ý thức người tiêu dùng Lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh hàng giả rất lớn, do vậy các đối tượng làm ăn phi pháp không từ bất kỳ thủ đoạn nào để lừa dối người tiêu dùng, thu lợi bất chính. Việc sản xuất kinh doanh hàng giả không chỉ sản xuất ở trong nước, mà còn sản xuất từ nước ngoài đi vào nước ta, hay các hàng kém chất lượng cũng được sản xuất hoặc kinh doanh để đưa ra thị trường. Tết Kỷ Hợi sắp tới, các cơ quan nhà nước, lực lượng chức năng cần quán triệt để thực hiện đầy đủ tinh thần nội dung của Chỉ thị 34/CT – TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách để đảm bảo người dân đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Thứ nhất, các chỉ thị không chỉ đến các cấp lãnh đạo mà phải đến cả các công chức, người lao động của cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện tốt các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Thứ 2, các cơ quan chức năng tăng cường đẩy mạnh, mở chiến dịch xây dựng kế hoạch công tác trong dịp Tết này để nắm bắt rõ tình hình thị trường phát hiện xử lý kịp thời triệt để các hành vi vi phạm. Thứ 3, tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng hợp lý, mua hàng ở địa chỉ tin cậy, lấy hóa đơn để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của mình. Người dân cũng cần sẵn sàng tố cáo các hành vi vi phạm, hợp tác với các cơ quan chức năng để đấu tranh tội phạm.
Mẹo nhận biết rượu giả Trước tình trạng rượu giả tràn lan như hiện nay, giải pháp trước mắt, người tiêu dùng cần có kinh nghiệm để phân biệt rượu thật, rượu giả. Khi đi mua rượu: + Khi mua nên quan sát vài chai rượu cùng nhãn hiệu, xếp thành dãy và cùng một góc ảnh sáng để nếu thấy chai nào có màu rượu và mức rượu khác biệt thì có thể nghi vấn đó có thể chai giả, và tiếp tục kiểm tra những yếu tố tiếp theo.
+ Xem mức rượu trong chai: Thông thường, các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới được sản xuất công nghiệp và đóng chai tự động, do đó về mặt nguyên tắc, màu sắc của rượu cũng như mức rượu bên trong các chai rất đều nhau. Rượu giả được làm thủ công nên màu sắc và mức rượu bên trong chai thường không đều nhau. + Kiểm tra nhãn rượu: Đây là yếu tố màn người mua quan tâm kiểm tra nhất mỗi khi mua rượu nhập khẩu. Tuy nhiên, hầu hết các chai rượu giả đều sử dụng lại vỏ của các chai rượu thật. Trong quá trình tẩy rửa chai, đóng chai, nhãn thật bì trầy xước hoặc bị bong ra chút ít. Sự khác biệt lớn giữa nhãn thật và nhãn giả là nhãn giả không thể bắt chước được việc thực hiện in chữ nổi, màu ánh kim… đúng như hãng chính gốc. + Kiểm tra tem nhập khẩu, tem chống giả: Đây cũng là yếu tố quan trọng mà người tiêu dùng quan tâm kiểm tra khi mua rượu nhập khẩu. Tuy nhiên, rượu giả được phù phép bằng những chiếc tem mà nếu như không có thiết bị chuyên dùng thì đến cả lực lượng kiểm tra cũng không thể nào phát hiện được. Một số thương hiệu có sử dụng tem chống giả dưới dạng tem vỡ dán ở cổ chai, không thể bóc tách người tiêu dùng kiểm tra bằng cách: thấm nước lên tem hoặc dùng bút dạ, ánh đèn huỳnh quang chiếu vào tem trên cổ chai để nổi lên thương hiệu in chìm. + Kiểm tra nắp/ nút: Thông thường các đối tượng làm hàng giả thường sử dụng lại nắp thật, hoặc nắp giả tuyệt đối. Nếu quan sát kỹ lưỡng, các nắp thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ trong quá trình nậy nắp, còn màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh của nắp giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật… + Kiểm tra đáy chai: Có một số loại rượu được làm giả bằng cách khoan một lỗ rất nhỏ, như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Do đó khi mua, nên quan sát thật kĩ dưới đáy chai, nếu có dấu vết lạ thì không nên mua. Các vết khoan thường ở những chỗ khó thấy ví dụ: chính giữa vòng tròn của những chữ "A,O,B,.. hoặc những chỗ có vết tì sẵn trên chai khi sản xuất. Sau khi hút rượu ra, lỗ được dán thật kĩ bằng keo trong nên rất khó phát hiện. Khi sử dụng: Nếu bạn được ai đó cho hay tặng một chai rượu ngoại thì trước khi đem ra sử dụng bạn nên thử bằng một trong các cách sau đây để tránh tác hại khi uống nhầm rượu giả: + Đem để vào ngăn đá tủ lạnh, sau 12 giờ lấy ra nếu như có hiện tượng đông đá trong chai rượu thì có thể là rượu giả. +Thử nồng độ cồn trong rượu: đổ một ít rượu ra lòng bàn tay, xoa hai tay với nhau rồi đưa lên mũi ngửi, nếu thấy có mùi xốc của cồn thì rượu đó có hàm lượng cồn cao, có thể là rượu giả được pha chế từ cồn. Rượu giả khi mở ra uống không thấy mùi thơm, có vị hơi đắng, khi uống thấy gắt miệng. Sau khi uống có thể bị đau đầu. + Rượu thường được chưng cất từ nho và được ngâm ủ lên men trong thùng gỗ sồi. Ngoài ra, rượu phải có độ sánh (người ta hay nói rượu có chân) và có mùi thơm của nho, của gỗ sồi, mật ong… Khi rót rượu vào ly chỉ cần lắc nhẹ ly rượu, mùi thơm được tỏa ra mùi vị rất đặc trưng và rượu vẫn còn bám nhẹ trên thành ly.