Thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái hoành hành tại Đắk Nông
Trong 2 ngày 27-28/9/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông đã kiểm tra nhiều đơn vị kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật tại nhiều xã, phát hiện hàng ngàn sản phẩm vi phạm...
Cụ thể, ngày 27/ 9 đoàn công tác kiểm tra hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật do ông N.V.L làm chủ, tại xã Đức Mạnh huyện Đắk Mil đã phát hiện 02 loại thuốc bảo vệ thực vật với 700 sản phẩm vi phạm về nhãn hàng hóa với tổng giá trị là 94.000.000 đồng.
Ngày 28/9 cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại xã Đắk R'La do ông N.Đ.H làm chủ phát hiện 3 loại thuốc bảo vệ thực vật với 1.150 sản phẩm vi phạm về ghi nhãn hàng hóa có giá trị 173.700.000 đồng.
Trước đó trong tháng 9, Đoàn kiểm tra đã xử phạt 10 đơn vị kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Đắk R'Lấp, Đắk Song, Đắk Mil với số tiền xử phạt gần 140.000.000 đồng với các hành vi vi phạm chủ yếu là bán thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam 03 vụ ; Vi phạm về ghi nhãn hàng hóa 06 vụ; vi phạm về gấy chứng nhận đủ điều kiện 01 vụ.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp của người tiêu dùng, trong thời gian tới Đoàn kiểm tra liên ngành do Cục Quản lý thị trường Đắk Nông chủ trì sẽ kiểm tra, kiểm soát thường xuyên mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm siết chặt kỷ cương trong hoạt động kinh doanh mặt hàng này.
Theo các cơ quan chức năng, thời gian qua, tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, xuất hiện tình trạng các đối tượng sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, nhái thương hiệu.
Lợi dụng hiểu biết hạn chế, tâm lý ham mua hàng giá rẻ của một số nông dân ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng buôn lậu thường quảng cáo, đưa ra các hình thức khuyến mãi hấp dẫn nhằm tiêu thụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người dân.
Thậm chí có tình trạng trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón. Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định, nhãn hàng hoá có thông tin không đúng bản chất, sự thật, hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.
Các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở thường nhỏ lẻ, nằm phân tán, hoạt động lén lút, tinh vi gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Công tác tuyên truyền, giáo dục vẫn còn chưa thật sự tác động mạnh mẽ đến ý thức chấp hành pháp luật của nhiều quần chúng nhân dân, vẫn còn hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu.