Thượng Hải gỡ phong tỏa một phần dù số ca nhiễm tiếp tục tăng kỷ lục
Chính quyền Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 12/4 thông báo sẽ gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa tại hơn 40% địa bàn, dù thành phố này đang tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục mỗi ngày...
Theo kết quả xét nghiệm PCR trên toàn thành phố vào hôm thứ Bảy và các dữ liệu khác, có 7.565 khu dân cư tại Thượng Hải không ghi nhận ca nhiễm mới trong vòng 14 ngày qua và được xác định là “khu vực phòng ngừa”. Đây là các khu vực được gỡ phong tỏa.
Danh sách các khu vực đủ điều kiện để được gỡ phong tỏa đang được công bố dần. Theo truyền thông địa phương, một số khu vực đã cho phép người dân ra khỏi nhà. Cư dân tại các khu vực này có thể đi lại trong các giới hạn được định sẵn nhưng vẫn được khuyến khích tránh ra ngoài nếu không cần thiết.
Tuy nhiên, số ca nhiễm trên toàn Thượng Hải vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Thành phố này ghi nhận 26.087 ca nhiễm mới trong ngày Chủ nhật, lập kỷ lục ngày thứ 10 liên tiếp.
Trước đó, ngày 29/3, Thượng Hải siết chặt giai đoạn đầu của lệnh phong tỏa gồm hai giai đoạn phòng ngừa đại dịch Covid-19. Thành phố biển với 26 triệu dân này đã chia các khu vực dân cư thành 3 loại dựa trên rủi ro Covid-19 để hạn chế việc đi lại.
Hiện khoảng 2.460 khu vực không ghi nhận ca nhiễm trong 7 ngày qua được phân loại thành “khu vực kiểm soát hạn chế”, nơi người đân có thể ra khỏi nhà nhưng chỉ trong khuôn viên nơi mình sống. Còn 7.624 khu vực khác vẫn được xếp loại là “khu vực quản lý khép kín”, là những nơi có ca nhiễm Covid-19 trong 7 ngày qua.
Bất chấp sự phản đối ngày càng gia tăng trong dân chúng do những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn thực phẩm và y tế, hiện chưa rõ khi nào các biện pháp phong tỏa trên toàn Thượng Hải sẽ được gõ bỏ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/4 cho biết đang theo dõi đợt tăng ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến tại Trung Quốc đại lục – đợt bùng dịch mà các quan chức địa phương cho là gây ra bởi biến chủng phụ BA.2 của biến chủng Omicron.
“WHO đang giữ liên lạc với các nhà chức trách y tế Trung Quốc về tình hình đợt tái bùng dịch tại nước này”, tiến sĩ Kate O’Brien, Giám đốc chương trình tiêm chủng và vaccine của WHO, cho biết.
Đại diện WHO nói rằng cần theo dõi hiệu quả của các biện pháp phong tỏa phòng dịch tại quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng như các loại vaccine của nước này. Hiện tại, chưa có đủ thông tin để đánh giá việc này.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát và cá Trung Quốc phản ứng vớ tình hình, để có thể hiểu rõ bản chất của các ca nhiễm, tình trạng tiêm chủng cơ bản và các yếu tố khác tại quốc gia này”, bà O’Brien nói tại một cuộc họp báo tại trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sỹ).
Trung Quốc đang vật lộn với đợt bùng dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ khi virus này được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hơn 2 năm trước. Dù số ca nhiễm thấp hơn so với hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc đại lục ngày hôm qua (11/4) ghi nhận 1.184 ca nhiễm Covid mới có triệu chứng và 26.411 ca nhiễm mới không có triệu chứng. Đây là ngày ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất từ trước đến nay của nước này, theo theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc.
Để kiềm chế dịch, Chính phủ Trung Quốc đã tái áp dụng phong tỏa tại một số nơi, đặc biệt là thành phố Thượng Hải. Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược "Zero Covid" (không Covid) với các biện pháp phong tỏa, hạn chế nghiêm ngặt và xét nghiệm hàng loạt để kiểm soát dịch.
Theo tiến sĩ Alejandro Cravioto, chủ tịch Nhóm Cố vấn Chiến lược về Tiêm chủng của WHO, việc xem xét liệu các biện pháp phong tỏa như vậy có mang lại hiệu quả toàn diện trong việc ngăn chặn đợt tái bùng dịch này hay không “sẽ rất quan trọng”, đặc biệt với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng phụ BA.2 tại nước này. BA.2 được cho là dễ lây lan hơn chủng Covid-19 ban đầu, dù chủ yếu gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Ông Cravioto nói thêm rằng WHO hiện chưa có thông tin đầy đủ về vaccine Covid-19 đang được sử dụng tại Trung Quốc. Gần đây, nhóm của ông đã xem xét dữ liệu về vaccine mRNA được phát triển bởi CanSino Biologics - một công ty sản xuất vaccine giai đoạn lâm sàng ở Trung Quốc, theo thông cáo báo chí của WHO. Tuy nhiên, nhóm này “sẽ không đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào cho đến khi sản phẩm được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp”, thông cáo cho biết.
“Cho đến khi thực sự có được các dữ liệu đầy đủ, chúng tôi sẽ không thể đưa ra bất kỳ bình luận nào thêm”, ông Cravioto nói, đề cập đến hiệu quả của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của Bắc Kinh.
Tính tới ngày 5/4, 88,5% dân số Trung Quốc đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, theo dữ liệu của Our World In Data.