Thương hiệu Việt đang tiến xa đến đâu trên trường quốc tế?
Những tên tuổi lớn của khối kinh tế tư nhân như Sun Group, Vin Group, Vietjet Air hay TH True Milk… đang chứng tỏ năng lực cạnh tranh toàn cầu
"Hiện tượng" Cầu Vàng, những công trình kỳ vĩ, đẳng cấp quốc tế hay việc người Việt sản xuất được ô tô Vinfast… đó là những ví dụ điển hình cho thấy các tập đoàn kinh tế tư nhân đang góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể nói, chưa khi nào kinh tế tư nhân Việt Nam lớn mạnh, hùng dũng như bây giờ.
Thương hiệu tư nhân Việt nổi tiếng thế giới
Ngày đầu tháng 10 vừa qua, "giải thưởng Oscar của ngành du lịch" - World Travel Awards và World Luxury Hotel Awards 2019 đã gọi tên hàng loạt công trình nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và hạ tầng do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng ở 21 hạng mục giải thưởng. Những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort… đã trở thành điểm du lịch phải đến của giới thượng lưu trong nước và quốc tế. Cũng trong đêm trao "giải thưởng Oscar của ngành du lịch", Vinpearl (Vingroup) đã được xướng tên với 9 hạng mục du lịch, nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực.
Trong lĩnh vực du lịch, không thể không nhắc tới "hiện tượng" Cầu Vàng tại Bà Nà Hills gây sốt truyền thông thế giới ngay những ngày đầu ra mắt hồi tháng 6/2018. Công trình lọt top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới 2018, kéo hàng triệu khách đến Việt Nam chiêm ngưỡng và trở thành một biểu tượng mới cho thành phố Đà Nẵng.
Dễ nhận thấy, nhờ vào những công trình du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng đẳng cấp của Sun Group, Vingroup… ngành du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ chưa từng có, liên tục ghi điểm với thế giới. Theo số liệu mới nhất do Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) vừa công bố, tính đến hết quý 2 năm 2019, Việt Nam đứng thứ 10 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đón khách cao nhất châu Á - Thái Bình Dương.
9 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng chung của khu vực và thế giới. Quan trọng hơn nữa, vị thế của du lịch Việt Nam ngày càng được nâng cao trên bản đồ quốc tế, xóa bỏ hình ảnh du lịch giá rẻ trước đây.
Không chỉ ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch, nhiều thương hiệu Việt Nam còn gây ấn tượng với thế giới trong những lĩnh vực xưa nay vốn chỉ dành cho các quốc gia phát triển như sản xuất ô tô, sản xuất điện thoại di động. Trang tin Bloomberg từng nhận định về thương hiệu ô tô Vinfast trong triển lãm Motor Show diễn ra tại Paris (Pháp) rằng: "Vingroup là một minh chứng cho thấy các nhà sản xuất Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị cao".
Ngay cả trong lĩnh vực hàng không, sân bay Vân Đồn đã trở thành biểu tượng cho sự năng động, hiệu quả của kinh tế tư nhân khi hoàn thành trong thời gian kỷ lục chỉ 2 năm, và xuất sắc được vinh danh là "Sân bay mới hàng đầu Châu Á 2019" tại giải thưởng du lịch thế giới WTA.
Những tên tuổi lớn của khối kinh tế tư nhân như Sun Group, Vin Group, Vietjet Air hay TH True Milk… đang chứng tỏ năng lực cạnh tranh toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới. Đây là bằng chứng cho thấy kinh tế tư nhân đang định vị chỗ đứng vững chắc của mình trong nền kinh tế đất nước.
Tương lai của kinh tế tư nhân
Nói về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, GS. TSKH. Võ Đại Lược từng khẳng định, khối kinh tế tư nhân đang đóng góp rất lớn vào quy mô GDP, cơ cấu vốn và việc làm cho nền kinh tế. Chính các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần từng khẳng định những năm vừa qua, sức vóc kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp tư nhân năm 2018 đã tăng 11% so với năm 2017 và đạt gần 750.000 vào cuối quý I năm 2019. Mỗi năm hơn 1,1 triệu việc làm mới được tạo ra trong khu vực kinh tế này. Kinh tế tư nhân tăng mạnh cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Không ít doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và sử dụng hàng chục nghìn lao động.
Kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 40% GDP cả nước; chiếm 26% giá trị xuất khẩu, 34% giá trị nhập khẩu, đóng góp 38,2% vào ngân sách nhà nước năm 2018, vượt đáng kể so với mức 29,43% của năm 2016.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, có được những kết quả trên đây là do môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện khá hấp dẫn cho đầu tư và kinh doanh; môi trường kinh doanh đang chuyển biến nhanh và cải thiện tích cực. Đánh giá mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng chỉ ra chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua.
Việc "thăng hạng" của Việt Nam trong cuộc đua về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh trong nền kinh tế toàn cầu cho thấy, chủ trương tạo điều kiện tốt nhất để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ là hoàn toàn đúng đắn.
Trong buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu ngày 17/6/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế tự cường trong hội nhập quốc tế. Vì vậy, phải có đội ngũ doanh nghiệp với các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân Việt Nam", Thủ tướng nêu rõ và tái khẳng định những nguyên tắc, "từ khóa" quan trọng mà Thủ tướng từng đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân là: "Bình đẳng", "được bảo vệ", "khích lệ" và "trao cơ hội".
Nhìn từ những hạng mục khó như sân bay, cảng biển, hàng không, sản xuất ô tô… đều đã có dấu ấn mạnh mẽ của kinh tế tư nhân để thấy, nếu được trao cơ hội, kinh tế tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn có thể góp mặt trong bất kỳ lĩnh vực nào của nền kinh tế… Không chỉ đóng góp ngày càng nhiều vào GDP cả nước, mà còn có thể đưa các thương hiệu Việt vươn xa trên trường quốc tế.