Thụy Sỹ giảm lãi suất 3 lần liên tiếp
Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) ngày 26/9 giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm và để ngỏ khả năng tiếp tục hạ lãi suất trong bối cảnh tốc độ lạm phát ở nước này giảm nhanh...
Trong động thái “nối gót” những đợt giảm lãi suất gần đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), SNB đưa lãi suất cơ bản về mức 1%, thấp nhất kể từ đầu năm 2023. Quyết định này không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích.
Đây là lần thứ ba SNB giảm lãi suất trong năm nay, khi cơ quan này rút khỏi chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát trước đó.
Lần giảm lãi suất này là quyết định cuối cùng trong nhiệm kỳ đã kéo dài 12 năm của Thống đốc SNB Thomas Jordan. Động lực cho việc hạ lãi suất là lạm phát ở Thụy Sỹ xuống thang nhanh, chì còn 1,1% trong tháng 8 vừa qua và đã duy trì trong vùng mục tiêu 0-2% của SNB trong suốt 15 tháng qua.
Trong một cuộc họp báo, ông Jordan cho biết SNB sẵn sàng cắt giảm lãi suất thêm, nhấn mạnh rằng áp lực lạm phát ở Thụy Sỹ đã giảm mạnh. “Trong những quý tới, SNB có thể phải cắt giảm lãi suất sâu hơn để đảm bảo ổn định giá cả trong trung hạn”, ông Jordan nói. Lần họp này của SNB là cuộc họp chính sách tiền tệ thứ 42 và cũng là cuối cùng trong sự nghiệp thống đốc của ông.
Người kế nhiệm ông Jordan trên cương vị đứng đầu SNB, ông Martin Schlegel, cho biết quan điểm rằng lạm phát sẽ giảm sâu hơn đồng nghĩa lãi suất có thể tiếp tục được cắt giảm, nhưng ông không đưa ra sự bảo đảm nào.
“Chúng tôi sẽ không nói trước và chúng tôi cũng không bao giờ cam kết trước. Nhưng nếu nhìn vào điều kiện chính sách tiền tệ hiện nay, không thể loại trừ khả năng chúng tôi sẽ giảm lãi suất vào tháng 12”, ông Schlegel nói với hãng tin Reuters.
Thành công của SNB trong cuộc chiến chống lạm phát đã cho phép cơ quan này trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên toàn cầu cắt giảm lãi suất. Trước đợt giảm này, SNB đã giảm lãi suất hai lần liên tiếp vào tháng 3 và tháng 6.
Ông Schlegel nói rằng quyết định giảm lãi suất vừa rồi được thúc đẩy bởi áp lực lạm phát suy yếu ở Thụy Sỹ. SNB đã giảm dự báo lạm phát năm 2025 và 2025, đồng thời cho rằng đến quý 2/2027, tốc độ lạm phát ở nước này chỉ còn 0,6%.
Ông Schlegel cũng nhấn mạnh việc đồng franc Thụy Sỹ tăng giá là một nhân tố đóng góp quan trọng vào sự xuống thang của lạm phát. Nhưng bên cạnh đó, ông thừa nhận những khó khăn mà việc một đồng nội tệ mạnh gây ra đối với các nhà xuất khẩu của Thụy Sỹ vốn đang phải đối mặt với tình trạng suy yếu của nhu cầu ở các thị trường nước ngoài.
Đồng franc Thụy Sỹ - một đồng tiền được giới đầu tư coi là “hầm trú ẩn” khi xảy ra bất ổn tài chính và kinh tế - đã tăng giá trong những tuần gần đây, đạt mức cao nhất 9 năm so với đồng euro hồi đầu tháng 8. Sau động thái hạ lãi suất mới nhất của SNB, đồng franc vẫn tăng giá.
Nhà kinh tế trưởng Charlotte de Montpellier của ngân hàng ING nói rằng việc SNB giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm là “điều mềm mỏng nhất có thể được mong đợi”. “Không chỉ SNB nói rõ rằng họ có thể phải giảm thêm lãi suất, mà họ còn giảm mạnh dự báo lãi suất”, bà nói.
Nhà kinh tế trưởng Karrsten Junius của ngân hàng J Safra Sararin nói dự báo mà SNB đưa ra là mềm mỏng hơn so với kỳ vọng của thị trường. “Trong những năm trở lại đây, lần họp này là cuộc họp mà SNB đưa ra tín hiệu rõ ràng nhất về đường đi của chính sách trong tương lai. Điều này khác hẳn với sự truyền đạt thông tin trước kia của SNB”, ông Junius nhận xét.
Dự báo lạm phát mà SNB mới cập nhật cho năm 2024 là 1,2%, giảm từ mức 1,3% đưa ra hồi tháng 6. Dự báo lạm phát năm 2025 cũng giảm còn 0,6% từ 1,1% và của năm 2026 giảm còn 0,7% từ 1%.
“Với lạm phát được dự báo dao động trong khoảng 0,6-0,7% trong thời gian 2025-2027, SNB có vẻ muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng lãi suất sẽ giảm thêm. Đó là một cách nhằm làm tỷ giá đồng franc giảm xuống”, ông Montpellier nhận định.