Tiền bắt đáy sớm ở blue-chips, cổ phiếu nhỏ tiếp tục bị bán mạnh
VN30-Index vẫn là chỉ số nhóm vốn hóa duy nhất tăng rõ rệt trong phiên sáng nay và độ rộng cũng rất tích cực. Cầu bắt đáy tích cực đã giúp nhiều blue-chips đảo chiều từ giảm sang tăng với biên độ khá rộng. Duy có điều dòng tiền vào chưa thật sự ấn tượng...
VN30-Index vẫn là chỉ số nhóm vốn hóa duy nhất tăng rõ rệt trong phiên sáng nay và độ rộng cũng rất tích cực. Cầu bắt đáy tích cực đã giúp nhiều blue-chips đảo chiều từ giảm sang tăng với biên độ khá rộng. Duy có điều dòng tiền vào chưa thật sự ấn tượng.
VN-Index kết phiên sáng cũng đã kịp xanh trong khoảng 10 phút cuối cùng và đang trên tham chiếu 3,77 điểm tương đương 0,26%. Trong khi đó Midcap vừa đúng phút cuối “ló qua” được tham chiếu, tăng 0,06% còn Smallcap vẫn đang giảm 1,05%.
VN30-Index chốt phiên sáng tăng 0,45% và chỉ đỏ ngay vài phút đầu tiên sau khi mở cửa, còn toàn bộ thời gian còn lại đều trên tham chiếu. Thậm chí VN-Index, Midcap và Smallcap đều tạo đáy sâu nhất lúc 10h50 thì VN30-Index cũng vẫn tăng. Diễn biến này cho thấy khả năng chống đỡ ở các blue-chips cũng tốt hơn.
Độ rộng toàn sàn HoSE cuối phiên sáng ghi nhận 157 mã tăng/287 mã giảm, thì VN30 là 18 mã tăng/8 mã giảm; Midcap là 34 mã tăng/29 mã giảm; Smallcap là 54 mã tăng/149 mã giảm. Về mặt tỷ lệ, VN30 vẫn đang là nhóm mạnh nhất.
Thanh khoản của rổ VN30 đạt 4.162,8 tỷ đồng trong phiên sáng, thấp hơn Midcap một chút (4.266,2 tỷ đồng) chủ yếu do Midcap có DIG bị bán tháo quá mạnh. Mức giao dịch của VN30 cũng không phải là nổi bật, giảm nhẹ 2% so với sáng hôm qua. Có vẻ như các blue-chips đang tự cân bằng được do bên bán giảm áp lực.
Thực tế diễn biến giá của các blue-chips cũng cho thấy lực bán giảm trước và bên mua mới thận trọng nâng giá lên. Thanh khoản thấp nhưng biên độ đảo chiều trong phiên lại khá rộng, thể hiện lực bán cản là nhẹ. Nếu nhà đầu tư vẫn tiếp tục xả hàng nhiều thì hoặc thanh khoản sẽ tăng cao nếu bên mua có dòng tiền lớn, hoặc biên độ giá sẽ rất hẹp. Thống kê cho thấy tất cả các mã trong VN30 đều đang đứng giá cao hơn đáy của phiên, trong đó 15 mã đảo chiều phục hồi trên 1% so với giá thấp nhất.
Điểm dễ nhận thấy là các cổ phiếu giảm càng nhẹ đầu phiên hoặc không giảm, thì biên độ đi lên sau đó càng tốt. Một số mã tiêu biểu như GVR chỉ giảm nhẹ 0,15% lúc yếu nhất và kết phiên sáng tăng 3,33%. BVH giảm sâu nhất -0,83% và kết phiên tăng 4,17%, VNM giảm sâu nhất -0,13%, kết phiên tăng 1,95%, FPT không giảm, kết phiên tăng 2,64%, MSN không giảm, kết phiên tăng 2,71%...
Hạn chế lớn nhất của nhóm blue-chips là không có đủ lực kéo từ các trụ, nên VN-Index tuy đảo chiều thành công, nhưng không thể tăng dứt khoát hơn. MSN, GVR, VNM, FPT, CTG là 5 mã đang kéo điểm tăng, nhưng VHM lại giảm 0,82%, VPB giảm 1,41%, GAS giảm 0,37% là những cổ phiếu có ảnh hưởng xấu. Kết hợp với đó là HPG, NVL đỏ nhẹ, VIC, TCB chỉ tham chiếu, VCB, BID tăng không đáng kể...
Dù vậy nhóm blue-chips vẫn thể hiện khả năng phục hồi tốt nhất, thanh khoản khá cao trong bối cảnh giảm chung toàn thị trường. Điều đó cho thấy nhu cầu bán tại nhóm này giảm nhanh hơn và có dòng tiền chờ bắt đáy nhiều hơn.
Ngược lại, nhóm đầu cơ, vốn hóa nhỏ vẫn đang suy yếu, dù không đến mức bán tháo toàn diện như hôm qua. Toàn sàn HoSE vẫn đang còn 16 mã giảm sàn, ít hơn nhiều con số 64 mã phiên trước. Nhóm sàn đều là những cái tên đình đám như FLC, HAI, ROS, TSC, OGC, AMD, TGG, NVT... Khoảng 100 mã khác đang giảm 2%, 45 mã giảm trên 1% thì VN30 chỉ có duy nhất VPB giảm 1,41%.
Hiện thị trường vẫn không có nhóm cổ phiếu nào dẫn dắt rõ ràng, ngay cả cổ phiếu ngân hàng cũng vẫn đang phân hóa, dù nhóm giảm giá không nhiều và mức độ nhẹ. Dầu khí, chứng khoán, bất động sản... đều có những đại diện tăng giảm khác nhau. Dòng tiền rất có thể đang lựa chọn cổ phiếu chứ không lựa chọn nhóm ngành.
Thanh khoản chung hai sàn niêm yết phiên sáng nay duy trì mức thấp, đạt 12.116 tỷ đồng, giảm 5% so với sáng hôm qua. Mức trung bình phiên sáng tuần trước vào khoảng 15.900 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại sáng nay mua ròng thỏa thuận đột biến hơn 9,3 triệu cổ ở MWG trị giá 1.424 tỷ đồng ròng. Tuy nhiên ngoài MWG, chỉ có GMD được mua ròng 37,7 tỷ là đáng kể. Phía bán ra có HPG -47,2 tỷ, VHM -40,6 tỷ, DGC -30,5 tỷ và VHC -21 tỷ. Như vậy tổng giá trị mua ròng ở HoSE khoảng 1.334,5 tỷ đồng sáng nay chủ yếu do MWG, trừ đi giao dịch này thì vẫn là bán ròng nhẹ.