Tiền sầm sập đổ vào cổ phiếu ngân hàng, VN-Index quay về đỉnh tháng 1
Tính riêng chiều nay lượng tiền đổ vào giao dịch thành công ở các cổ phiếu ngân hàng trên sàn HoSE tăng gần gấp đôi phiên sáng, đạt khoảng 3.695 tỷ đồng, tương đương 36,4% tổng mức khớp sàn này. Cả ngày, cổ phiếu ngân hàng khớp 5.632 tỷ đồng, tương đương 33,2%, mức cao nhất 16 phiên, trở lại xấp xỉ thời đỉnh cao đầu tháng 1 vừa qua...
Tính riêng chiều nay lượng tiền đổ vào giao dịch thành công ở các cổ phiếu ngân hàng trên sàn HoSE tăng gần gấp đôi phiên sáng, đạt khoảng 3.695 tỷ đồng, tương đương 36,4% tổng mức khớp sàn này. Cả ngày, cổ phiếu ngân hàng khớp 5.632 tỷ đồng, tương đương 33,2%, mức cao nhất 16 phiên, trở lại xấp xỉ thời đỉnh cao đầu tháng 1 vừa qua.
Điều bất ngờ là tiền dường như chỉ tập trung vào nhóm ngân hàng và tăng lên ở nhóm này, còn các cổ phiếu khác lại không hút được thanh khoản tốt hơn. Cụ thể, Tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE cả phiên giảm hơn 3% so với phiên cuối tuần trước, chỉ đạt hơn 16.976 tỷ đồng, tương đương giảm tuyệt đối 576 tỷ đồng. Trong khi đó riêng nhóm ngân hàng (trên HoSE) lại tăng giao dịch tới 2.313 tỷ đồng.
Ngân hàng chiếm 4/5 vị trí giao dịch sôi động nhất thị trường phiên này. Dẫn đầu là MBB với 837,8 tỷ đồng, giá tăng 5,52%; ACB với 758,8 tỷ, giá tăng 5,9%; CTG với 721 tỷ, giá tăng 6,94% và STB với 618,4 tỷ giá tăng 2,34%. Các mã ngân hàng khác thanh khoản trên 200 tỷ đồng còn có SHB, TCB, TPB, EIB, HDB, VIB, VPB.
Toàn bộ 27 mã ngân hàng còn duy nhất VCB giảm 0,33%, phía tăng 23 mã tăng trên 1%, tròn 10 mã tăng trên 3% với dẫn đầu là CTG tăng kịch trần. Biên độ cực mạnh này cho thấy sức mạnh của dòng tiền tập trung đã kéo được giá lên rất hiệu quả.
Hưởng lợi lớn từ nhóm ngân hàng, chỉ số VN30-Index hôm nay tăng mạnh nhất các sàn +1,92% trong khi VN-Index tăng 1,15%, Midcap tăng 0,48% và Smallcap tăng 0,22%. Nhóm ngân hàng đóng góp 7/10 mã kéo điểm số mạnh nhất. Dù vậy rổ VN30 ngoài các cổ phiếu ngân hàng ra thì số còn lại cũng không đáng kể, dù độ rộng tới 21 mã tăng/6 mã giảm. Cụ thể, ngoài nhóm ngân hàng, chỉ thêm GVR tăng 1,82%, FPT tăng 1,47% là đáng kể. Nói đơn giản, đà tăng VN30 hôm nay là của cổ phiếu ngân hàng, không phải của nhóm blue-chips nói chung.
Thực ra mở rộng với cả sàn HoSE cũng vậy, tuy có 80 cổ phiếu đóng cửa tăng trên 1% so với tham chiếu nhưng 78% thanh khoản tập trung vào nhóm ngân hàng. Số còn lại đại đa số giao dịch rất nhỏ. Một vài mã tương đối nổi có thể kể tới là VND tăng 1,83% thanh khoản 477,7 tỷ; FPT tăng 1,47% với 278,1 tỷ; HAH tăng 3,66% với 264 tỷ; PVD tăng 1,62% với 189,4 tỷ; LCG tăng 3,53% với 129,7 tỷ; GVR tăng 1,83% với 128,4 tỷ.
Độ rộng sàn HoSE cuối phiên không quá chênh lệch, với 270 mã tăng/212 mã giảm. Sự phân hóa là rõ ràng bất chấp sự sôi động trong nhóm ngân hàng. Khoảng 70 cổ phiếu đóng cửa giảm hơn 1%, dĩ nhiên thanh khoản kém xa nhóm tăng vì không thể so với lợi thế của cổ phiếu ngân hàng. VRE, HAG, CTD, DBC, ST8 là các mã bị xả đáng kể, thanh khoản đều trên 100 tỷ đồng với biên độ giảm quá 1%. Nhóm HBC, HNG, POM giảm sàn với thanh khoản cũng khá cao.
Sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã làm được một việc quan trọng là nối lại xu hướng tăng ngắn hạn vốn bị ngắt quãng trong 10 phiên trở lại đây. Hôm nay VN-Index có được 13,51 điểm, quay trở lại đỉnh cao tháng 1/2024 quanh ngưỡng 1188 điểm. VN30-Index dĩ nhiên có động lực mạnh hơn, đóng cửa đã vượt qua đỉnh cao tháng 1.
Chỉ còn 2 phiên nữa là thị trường nghỉ Tết, việc cổ phiếu ngân hàng bất ngờ bùng nổ trở lại khiến dòng tiền có khả năng bị hút vào. Tuy nhiên khả năng cao chỉ nhóm ngân hàng có được thanh khoản lớn vì cơ hội rõ ràng hơn. Giai đoạn nửa sau tháng 1/2024 cổ phiếu ngân hàng chưa điều chỉnh nhiều và thanh khoản xuống thấp tức là dòng tiền vẫn đang nằm lại trong nhóm này. Nhịp tăng nối tiếp sẽ là cơ hội để chốt lời với sức nặng hơn nữa.