Tiến sĩ Ramesh Ramachandra: Người Việt rất có tư chất bẩm sinh làm kinh doanh
Dù là người làm thuê hay tự tạo dựng sự nghiệp, tinh thần kinh doanh luôn là điều cần thiết…
Tiến sĩ Ramesh Ramachandra tốt nghiệp bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (DBA) của Đại học Quản lý Singapore, SMU và bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) của trường đại học Monash, Australia.
Cho đến thời điểm hiện tại, TS. Ramesh Ramachandra đã và đang tạo dựng, quản lý nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, mang lại giá trị to lớn cho hàng chục nghìn người.
Tiến sĩ Ramesh Ramachandra là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty Talent Leadership Crucible (TLC), có trụ sở chính tại Singapore. TLC là một tổ chức chuyên về văn hóa doanh nghiệp, giúp thay đổi tư duy của mọi người để biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể.
Bên cạnh đó, bà còn là đồng sáng lập của Impact Velocity - một mạng lưới thành viên có tầm ảnh hưởng, với tầm nhìn chung về phát triển con người, phục hồi hành tinh và chia sẻ thịnh vượng.
Với tư cách là một doanh nhân, bà đã huy động thành công hàng triệu USD vào các quỹ đầu tư mạo hiểm, thành lập văn phòng khu vực, quản lý các vụ sáp nhập doanh nghiệp, phụ trách các quy trình đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cũng như đảm nhận việc thanh lý doanh nghiệp thất bại.
Tiến sĩ Ramesh đã được Tuần lễ Châu Á công nhận là một trong những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất châu Á và được Barrier Breakers công nhận là người phụ nữ phá bỏ rào cản đáng chú ý. Tiến sĩ. Ramesh học tập tại Singapore, Úc, Hoa Kỳ và hiện đang sống cùng gia đình tại Singapore và Việt Nam.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách “The big jump into entrepreneurship” bằng tiếng Việt “Khởi nghiệp - Bước nhảy vọt”, Tiến sĩ Ramesh Ramachandra đã có cuộc trao đổi nhanh, chia sẻ về tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp cũng như những nhắn gửi đến các doanh nhân trẻ của Việt Nam.
Có thể nói, bà là một người đã lăn lộn nhiều trong thế giới khởi nghiệp cũng như đã có rất nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm về kinh doanh. Bà có lời khuyên gì dành cho tất cả mọi người và giới trẻ nói chung trong câu chuyện kiếm tiền, kiếm sống cũng như trước ngưỡng cửa lập nghiệp?
Tôi nghĩ một điều rất quan trọng mà mọi người cần hiểu trong thế giới ngày nay, đó là tất cả mọi người đều cần phát triển tư duy kinh doanh. Tư duy kinh doanh nghĩa là bạn phải trở nên tháo vát, có khả năng giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, bạn cần biết chấp nhận rủi ro và quản lý sự không chắc chắn. Thêm nữa, bạn phải tạo ra giá trị.
Ba yếu tố này ngày càng quan trọng. Dù bạn là người làm thuê, nhận một công việc hay tự tạo dựng sự nghiệp, tinh thần kinh doanh luôn là điều cần thiết.
Hãy nhớ rằng, đối với một người, gia nhập một công ty và làm việc ở đó, cá nhân họ luôn là người quan trọng vì nhà tuyển dụng chỉ tìm kiếm những người có thể gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. Nếu tạo thêm giá trị, người đó sẽ có cơ hội thăng tiến và vượt trội so với những người khác, giúp họ phát triển sự nghiệp và góp phần vào thành công của công ty.
Vậy đối với những người đã và đang trong hành trình khởi nghiệp thì sao?
Đối với những người đang có ý định khởi nghiệp, tôi chỉ muốn nói một cách cơ bản rằng có nhiều cách để bạn có thể kiếm tiền, vì thế điều quan trọng nhất là hiểu được tại sao bạn lại muốn khởi nghiệp. Bạn muốn làm điều gì mới? Bạn muốn mang lại gì cho thế giới? Giá trị mà bạn muốn tạo ra là gì? Niềm đam mê của bạn là gì và đam mê của bạn trong quyết định khởi nghiệp này là gì?
Nếu bạn có thể kết nối tất cả những điều này thì hành trình khởi nghiệp sẽ nhẹ nhàng hơn. Hãy hình dung, sẽ có ngày bạn cảm thấy mình là người sáng lập công ty khởi nghiệp và mọi việc đang không như ý muốn. Mọi thứ có thể đi sai hướng và bạn rất stress, căng thẳng. Lúc này, điều thực sự truyền cảm hứng và động lực cho bạn chính là khả năng kết nối niềm đam mê với mục đích của bạn và thực hiện giá trị mà bạn đang tạo ra.
Như tôi đã nói, khởi nghiệp và kinh doanh là một cuộc hành trình không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đôi khi có những thất bại rất lớn. Và đôi khi có những thành công lớn. Nhưng tôi nghĩ, điều thách thức nhất cũng như động lực và hạnh phúc nhất là biết rằng tôi đã biến ý tưởng của mình thành hiện thực, biết rằng tôi có thể tạo ra thứ gì đó mà mọi người coi trọng, biết rằng ngay cả khi thất bại, tôi vẫn biết cách đứng lên. Vì vậy, với tôi, khởi nghiệp là một cuộc hành trình thực sự thú vị nhất mà con người ta có thể trải nghiệm.
Bà có thể chia sẻ thêm về chặng đường khởi nghiệp của mình, những khó khăn, thách thức và cả những khoảnh khắc hạnh phúc?
Hành trình trở thành doanh nhân của tôi thực sự rất thú vị. Chúng tôi đã huy động được số tiền đầu tư lớn, tuy nhiên, sau đó vụ sụp đổ dot-com đã xảy ra. Dù vậy, trải nghiệm này đã mang lại cho tôi nhiều bài học quý giá và sâu sắc về khởi nghiệp.
Thực sự, khởi nghiệp là một hành trình đòi hỏi sự dũng cảm, bởi bạn thực hiện nó mà không biết trước điều gì sẽ xảy ra. Đó có thể là thành công cũng có thể là thất bại, song điều đáng giá nhất là bạn đang tạo ra cuộc sống của riêng mình. Đó chính là điều đầu tiên mà tôi nhận ra.
Cuốn sách không chỉ là một hoạt động ghi chép thông thường, mà còn giúp suy ngẫm và khám phá những ý tưởng mới. Tôi thực sự muốn chia sẻ những điều thú vị và giá trị mà tôi đã học được qua hành trình của mình
Bởi vậy, tôi đã quyết định viết cuốn sách “The big jump into entrepreneurship” và xuất bản bằng cả tiếng Việt. Cuốn sách không chỉ là một hoạt động ghi chép thông thường mà còn giúp suy ngẫm và khám phá những ý tưởng mới. Tôi thực sự muốn chia sẻ những điều thú vị và giá trị mà tôi đã học được qua hành trình của mình.
Trong hành trình khởi nghiệp và kinh doanh của mình, bà đã bao giờ có ý định bỏ cuộc?
Đây là một câu hỏi rất ý nghĩa mà hầu như ai cũng đôi lần phải tự hỏi trong đời. Khi tôi nhìn lại bản thân mình, sẽ có nhiều lúc tôi cảm thấy, đúng vậy, đi tìm việc làm là các kiếm sống dễ dàng hơn, sẽ có người trả lương cho bạn.
Nhưng sau một thời gian, bạn nhận thấy rằng hệ thống, quy trình hoặc thậm chí những gì bạn đang làm không còn truyền cảm hứng cho bạn nữa. Vì vậy, tôi sẽ quay trở lại với mong muốn trở thành doanh nhân của riêng mình. Một điều mà tôi cảm nhận thấy thật tuyệt vời.
“Khởi nghiệp - Bước nhảy vọt” là cuốn sách đầu tiên của bà ra mắt bằng tiếng Việt, sau 20 năm làm việc và đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Bà hãy chia sẻ lý do “The big jump into entrepreneurship” là cuốn sách đầu tiên của bà xuất bản bằng tiếng Việt?
Tôi muốn nói rằng, theo kinh nghiệm của tôi, Việt Nam là quốc gia có nhiều doanh nhân nhất trên thế giới. Người Việt Nam có tư chất bẩm sinh làm doanh nhân. Đúng như vậy, người Việt luôn khao khát.
Đặc biệt, tôi nhận thấy ở Việt Nam, rất nhiều người ý thức được rằng kiếm tiền không phải đơn thuần là kiếm tiền, mà còn là kiếm tiền một cách có ý nghĩa. Giống như việc mọi người kiếm tiền nhưng không ảnh hưởng đến môi trường, không gây tác động xấu đến cộng đồng.
Tuy nhiên, để bắt đầu và điều hành một doanh nghiệp, chúng ta cũng cần có tư duy kinh doanh. Và điều tôi đề cập đến trong cuốn sách này chính là tư duy kinh doanh ấy. Tôi tin rằng bạn có thể áp dụng tư duy này trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, cho dù bạn đang điều hành doanh nghiệp của riêng mình, làm việc cho một công ty, doanh nghiệp xã hội hay trong chính phủ.
Cuốn sách này được tôi viết vào năm 2002, khi tôi đang thực hiện một dự án cho chính phủ Singapore về cách khởi nghiệp và điều hành một doanh nghiệp. Tôi đã đảm nhận công việc đào tạo song nhận ra rằng không thể dạy trực tiếp cho tất cả mọi người, nên tôi quyết định viết một cuốn sách.
Cuốn sách được biên soạn như một hướng dẫn từng bước, giúp thay đổi tư duy của người đọc. Tôi cũng cung cấp cách đánh giá năng lực và ý tưởng kinh doanh để nếu họ quan tâm và muốn trở thành doanh nhân, họ có thể khởi đầu mà không cần phải lập tức từ bỏ công việc hiện tại. Tôi viết cuốn sách bằng tiếng Việt vì tôi biết người Việt Nam thích đọc bằng ngôn ngữ của mình.
Bà có những đánh giá gì về tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam?
Môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn đang dần cải thiện và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận công nghệ mới và tư duy mới cũng là một thách thức. Không phải ai cũng có thể tiếp cận công nghệ mới ngay lập tức vì nhiều lý do, đặc biệt là chi phí cao. Do đó, đây có thể là một số hạn chế trong ngắn hạn đối với các doanh nghiệp Việt.
Với tinh thần kinh doanh của mình, Việt Nam có thể cân nhắc kinh nghiệm tại các nước khác để học hỏi và không mắc phải những sai lầm tương tự.
Bà là một người đã có nhiều kinh nghiệm và làm nhiều công việc liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Singapore. Vậy theo bà, đâu là sự khác biệt giữa Việt Nam và Singapore trong hệ sinh thái khởi nghiệp?
Singapore có một hệ sinh thái khởi nghiệp rất phát triển, được thúc đẩy mạnh mẽ từ trên xuống thông qua các chính sách và cơ chế của chính phủ cùng nguồn tài trợ công dồi dào. Loại tác động mà hệ sinh thái này tạo ra đối với sự đổi mới và khởi nghiệp rất đa dạng.
Ngược lại, không gian khởi nghiệp và đổi mới của Việt Nam đang trong giai đoạn hình thành, cần được thúc đẩy bởi các cá nhân và công ty Việt Nam. Với dân số 100 triệu người, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để đổi mới. Đổi mới không nhất thiết phải là những gì hoàn toàn mới trên thế giới, mà có thể là những ý tưởng mới và độc đáo đối với Việt Nam hoặc một công ty cụ thể.
Lời khuyên của tôi dành cho các công ty Việt Nam là khi bạn đi du lịch nước ngoài và thấy những ý tưởng hay, hãy mang về, điều chỉnh và áp dụng chúng vào bối cảnh Việt Nam. Bạn không cần phải phát minh lại bánh xe. Đôi khi, những ý tưởng đã thành công ở nơi khác có thể tạo ra sự khác biệt lớn khi được áp dụng vào môi trường và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Vậy Việt Nam có thể học hỏi gì từ hệ sinh thái khởi nghiệp của Singapore, thưa bà?
Để học hỏi từ các phương pháp hay nhất và cách tiếp cận hệ thống của Singapore, các công ty Việt Nam có thể đến Singapore để tìm hiểu sâu hơn. Họ có thể khám phá cách Singapore nhận thức và vận hành hệ thống này, cũng như tư duy hệ thống của họ.
Ví dụ, khi lên kế hoạch cho những dự án dài hạn như phát triển khu vực Sentosa, Singapore có kế hoạch chi tiết kéo dài 20 năm, với sự hợp tác chặt chẽ của các đơn vị, tổ chức để thực hiện mục tiêu chung. Đây là những bài học quý giá mà Việt Nam có thể học hỏi từ Singapore và các quốc gia phát triển khác.
Với dân số 100 triệu người, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để đổi mới. Đổi mới không nhất thiết phải là những gì hoàn toàn mới trên thế giới, mà có thể là những ý tưởng mới và độc đáo đối với Việt Nam hoặc một công ty cụ thể.
Gửi đến một thông điệp cho những người trẻ khởi nghiệp, bà sẽ nói gì?
Thông điệp của tôi là đừng bao giờ bỏ cuộc. Khi bạn vấp ngã, hãy đứng dậy và tiếp tục bước đi, luôn kiên trì và nỗ lực vượt qua mọi thử thách để đạt được thành công. Đặc biệt, hãy biến việc kinh doanh, tư duy kinh doanh thành một phần của thói quen, một phần của cuộc sống.