Tiếp nhận đề nghị miễn trừ áp thuế chống bán phá giá tạm thời một số sản phẩm Sorbitol nhập khẩu
Trước 17h00 ngày 8/8/2021, các doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm sorbitol (phụ gia tạo vị ngọt) có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia về Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)…
Cục Phòng vệ thương mại vừa phát đi thông báo tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm sorbitol (phụ gia tạo vị ngọt) có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Indonesia (mã số vụ việc: AD14).
Trước đó, ngày 6/7/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1719/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm sorbitol có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Indonesia.
Một số sản phẩm Sorbitol bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời thuộc các mã HS: 2905.44.00 và 3824.60.00. Mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu dao động từ 39,63% - 68,5% dựa trên kết quả tính toán cụ thể.
Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra từ tháng 12/2020 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 9/2020.
Trong quá trình điều tra sơ bộ, Bộ Công Thương cũng đã làm việc, tham vấn với các bên có liên quan để xem xét, xác định rõ phạm vi sản phẩm thuộc đối tượng điều tra.
Kết quả điều tra cho thấy, lượng nhập khẩu sorbitol bị bán phá giá đã tăng trong giai đoạn từ 1/4/2017 đến 31/3/2020, là nguyên nhân chính gây ra sức ép đáng kể cho hoạt động của ngành sản xuất trong nước.
Trong thời gian tới, để đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào quý 3/2021.
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời, biện pháp phòng vệ thương mại chính thức đối với một số hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thuộc một trong các trường hợp sau:
Hàng hóa trong nước không sản xuất được.
Hàng hóa có đặc điểm khác biệt với hàng hóa sản xuất trong nước mà hàng hóa sản xuất trong nước đó không thể thay thế được.
Hàng hóa là sản phẩm đặc biệt của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước.
Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không được bán trên thị trường trong nước trong cùng điều kiện thông thường.
Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước;
Hàng hóa nhập khẩu nằm trong tổng lượng đề nghị miễn trừ phục vụ mục đích nghiên cứu, phát triển và các mục đích phi thương mại khác.
Do đó, Cục Phòng vệ thương mại thông báo để các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện trên xem xét nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời vụ việc AD14 trước 17h ngày 8/8/2021.