Tiếp tục hỗ trợ để doanh nghiệp thoát đáy khó khăn
Khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa dừng lại khi một tỷ lệ rất lớn trong đó vẫn phải “ăn đong” chờ thời và đối mặt với áp lực chi phí vốn, cạnh tranh tăng cao. Giới phân tích cho rằng cần tiếp tục tận dụng dư địa chính sách tài khóa, phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa với các chính sách vĩ mô khác hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời trong giai đoạn đầu tiên của quá trình phục hồi...
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, ông Trần Đức Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư & Sản xuất Thái Hưng, một doanh nghiệp sản xuất bao bì đóng gói sản phẩm chuyên cung cấp cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khá lạc quan khi chia sẻ những tín hiệu tích cực trong tình hình sản xuất kinh doanh đầu năm 2024 khi các đối tác, doanh nghiệp xuất khẩu hồi phục đáng kể trên mức nền thấp cùng kỳ năm 2023.
Tín hiệu tiêu dùng phục hồi của thị trường thế giới, đặc biệt là tại các thị trường chủ lực của Việt Nam (như Mỹ, châu Âu) giúp các đơn hàng xuất khẩu gia tăng. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như Công ty Thái Hưng giữ nhịp tăng trưởng đơn hàng và kinh doanh khởi sắc hơn.
ĐƯA NGỌN ĐÈN THÀNH BÓ ĐUỐC
Trong ngành dệt may, sau một năm dài khó khăn chưa có tiền lệ khiến lượng đơn hàng giảm mạnh cả từ khách hàng xuất khẩu lẫn nội địa, nhưng ngay trong các tháng đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp ngành này ký được đơn hàng đến hết quý 2/2024, thậm chí một số đơn vị “rủng rỉnh” đơn hàng đến hết năm.
Lãnh đạo Công ty cổ phần May KLW Việt Nam, chuyên gia công các sản phẩm may mặc phục vụ xuất khẩu, cho biết thị trường có những dấu hiệu tốt hơn về đơn hàng. Tính đến hết quý 1/2024, công ty xuất khẩu trên 460.000 sản phẩm và đang tuyển dụng thêm khoảng 600 lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Theo bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), tổng cầu thế giới duy trì xu hướng phục hồi kể từ cuối quý 4/2023. Một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu tăng lên 2,3% trong năm 2024 từ mức 0,2% năm 2023; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận định mức tăng trưởng thương mại thế giới năm nay sẽ đạt 3,3%.
“Trong nước, một số doanh nghiệp FDI dẫn đầu như Samsung hoặc Intel đặt mục tiêu tăng trưởng dương trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024. Nhờ đó, kết quả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý 1/2024 đạt kết quả tích cực, với kim ngạch xuất khẩu tăng 17% và nhập khẩu tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước”, bà Phương thông tin.
Giới phân tích nhận định cầu thế giới về nhiều mặt hàng của Việt Nam hồi phục là một điểm rất tích cực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức. Bên cạnh đó, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương gắn liền việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng sự nhanh nhạy nắm bắt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm ra thị trường nước ngoài trở thành lực đẩy đối với quá trình phục hồi hoạt động của doanh nghiệp.
TRỢ LỰC TỪ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ
Theo ông Trần Đức Hoàn, Giám đốc Công ty Đầu tư & Sản xuất Thái Hưng, nhờ sự vào cuộc của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương thường xuyên họp bàn gỡ khó cùng hiệu quả từ chính sách tài khóa và tiền tệ đã giúp nền kinh tế Việt Nam đứng vững và không bị kéo vào vòng xoáy khủng hoảng như nhiều quốc gia khác.
“Có thể không phải toàn bộ mọi ngành nghề, lĩnh vực, người dân ở các địa phương đều đón nhận được những giá trị tích cực này nhưng đất nước ổn định và trụ vững qua các cơn bão khủng hoảng đã là một thành công và may mắn lớn, từ đó sẽ tạo động lực cho giai đoạn tiếp theo”, ông Hoàn nói.
Trước hệ lụy để lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nhiều tác động tiêu cực từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới, các giải pháp trong lĩnh vực tài chính nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân của Chính phủ, Bộ Tài chính không những nhận được sự đồng thuận từ xã hội, mà còn tiếp sức cho doanh nghiệp từng bước thoát khỏi khó khăn.
Về chính sách gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, cùng nhiều khoản phí, lệ phí,… theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng quy mô hỗ trợ trong suốt giai đoạn 2020-2023 lên tới 700 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 hỗ trợ kỷ lục khoảng 233 nghìn tỷ đồng, năm 2023 khoảng 200 nghìn tỷ đồng.
Không dừng ở đó, nhiều chính sách tiếp tục kéo dài trong năm 2024, như: giảm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2024 và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết năm 2024 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Theo tính toán của Bộ Tài chính, các chính sách này dự kiến tác động giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 68.000 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ước tính số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 3 tháng đầu năm khoảng 20,6 nghìn tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, dồn lực cho đầu tư phát triển và đáp ứng nhu cầu chi cho an sinh xã hội tạo ra thách thức không nhỏ đối với cân đối ngân sách nhà nước.
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Chính sách tài khóa nghịch chu kỳ tiếp tục để lại nhiều dấu ấn và là điểm tựa thúc đẩy tốc độ tăng trưởng GDP.
Nhờ những hỗ trợ, hoạt động sản xuất kinh doanh dần khởi sắc, xuất nhập khẩu bật tăng, công tác thu ngân sách nhà nước quý 1/2024 dù chịu nhiều thách thức nhưng ghi nhận tốc độ tăng tích cực 9,8% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán năm.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ nêu trên, các giải pháp kiểm soát lạm phát, phát triển bền vững thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp dường như vẫn chưa nguôi ngoai. Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dù đơn hàng của doanh nghiệp đã quay lại nhưng hợp đồng ký ngắn hạn từng quý trong khi giá bình quân giảm 30%, thậm chí có đơn hàng giảm 50-60% nhưng doanh nghiệp vẫn phải ký để duy trì sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Đáng nói, nhiều doanh nghiệp năm 2023 đã yếu ớt, bước sang năm 2024 không trụ nổi phải rút lui khỏi thị trường, do đó, khó khăn chưa được giải tỏa hết.
CẦN THÊM CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
Trước những tác động tiêu cực từ tình hình quốc tế, căng thẳng Biển Đỏ leo thang, ông Cẩm cho biết dù doanh nghiệp Việt Nam không thiệt hại trực tiếp nhưng khách hàng chịu thiệt nên gây thêm áp lực với đơn hàng sau. Ngoài ra, áp lực thời gian giao hàng và yêu cầu xanh hóa từ nhiều thị trường cũng tạo sức ép với doanh nghiệp ngành dệt may.
Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của những “ông lớn” FDI cũng đối diện không ít thách thức dù giai đoạn khó khăn nhất dường như đã đi qua.
Theo ông Trần Đức Hoàn, khi các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh sản xuất đồng nghĩa số lượng đầu việc, đơn hàng của các doanh nghiệp cung ứng trong lĩnh vực bao bì sẽ gia tăng nhưng cạnh tranh lại khốc liệt hơn. Theo lãnh đạo Công ty Thái Hưng, hiện Canon đang duy trì vài nhà cung cấp bao bì và đề nghị doanh nghiệp giảm giá hay giãn thời gian thanh toán.
“Điều này làm phát sinh nhiều chi phí nên hiệu quả kinh doanh chưa như kỳ vọng, thậm chí một số doanh nghiệp không trụ được, phải thu hẹp sản xuất hoặc thậm chí đóng cửa”, ông Hoàn cho biết...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 18-2024 phát hành ngày 29/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam