Xuất khẩu mây tre còn nhiều cơ hội tăng trưởng nếu khắc phục được các điểm yếu
Trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm mây tre tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên nhóm sản phẩm này mới chỉ chiếm 3,37% thị phần thương mại mây tre toàn thế giới. Theo các chuyên gia, ngành mây tre đan của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển, có khả năng chiếm 10-15% thị phần trên thế giới nếu khắc phục được tất cả các điểm yếu…
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024, nhóm mặt hàng mây tre đan đạt kim ngạch xuất khẩu 85 triệu USD, tăng 79,9% so với tháng trước và tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung quý 1/2024, xuất khẩu nhóm sản phẩm mây tre đan đạt 212,07 triệu USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam xuất khẩu sản phẩm này sang 59 thị trường, trong đó 4 thị trường lớn nhất là: Hoa Kỳ đạt 14,48 triệu USD, tăng 8,4%; Vương quốc Anh đạt 2,75 triệu USD, tăng 30,4%; Nhật Bản đạt 2,26 triệu USD, tăng 3,1%; Tây Ban Nha đạt 2,19 triệu USD, tăng 9,1%...
TIỀM NĂNG LỚN CỦA NGÀNH MÂY TRE
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, mây tre đan của Việt Nam là nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong nhóm lâm sản ngoài gỗ. Hàng mây tre đan của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các nước EU (chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu), thị trường Hoa Kỳ (chiếm 20%) và Nhật Bản (chiếm hơn 9%).
"Năm 2023, xuất khẩu nhóm hàng mây tre đan đem về cho Việt Nam hơn 733 triệu USD. Cùng với Trung Quốc, Indonesia và Philippines, Việt Nam là một trong 4 nước xuất khẩu mây tre đan lớn nhất thế giới".
Theo Tổng cục Lâm nghiệp.
Nhận định về cơ hội cho Việt Nam chiếm lĩnh thị trường mây, tre đan, Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng còn rất nhiều, bởi diện tích tre trong nước lên đến 1,5 triệu ha. Cây tre phân bố ở hầu hết các tỉnh trên cả nước, trong đó có 37/63 tỉnh có diện tích trên 10.000ha. Tài nguyên tre Việt Nam phong phú và đa dạng với hàng trăm loài, trong đó có một số loài kinh tế cao như luồng, lùng, trúc sào, lồ ô, bương, tầm vông, tre gai.
Đặc biệt, cả nước có trên 1.000 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số các làng nghề thủ công mỹ nghệ. Trong đó, khu vực phía Bắc và miền Trung tập trung nhiều về các sản phẩm mây tre lá và cói, còn khu vực Tây Nam bộ tập trung nhiều các sản phẩm về bèo tây, lá buông.
Ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội Tre Việt Nam, nhận định xuất khẩu sản phẩm mây tre hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong khi tổng thương mại mây tre trên toàn cầu đạt trị giá hơn 57 tỷ USD, thì mây tre đan Việt Nam mới chiếm khoảng 3,37% thị phần thế giới. Trong khi Trung Quốc hiện đang dẫn đầu không chỉ về sản lượng mà còn về năng lực kỹ thuật và chất lượng, chiếm 67% tổng giá trị xuất khẩu tre, nứa trên thế giới.
NHIỀU ĐIỂM YẾU CẦN KHẮC PHỤC
Chỉ ra những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mây tre của Việt Nam thấp, ông Phạm Quốc khánh cho hay lực lượng lao động tại các làng nghề ngày càng giảm, trong khi nhu cầu thị trường vẫn lớn. Liên kết giữa các hiệp hội mây, tre, lá với các doanh nghiệp khác cũng như các hiệp hội thủ công mỹ nghệ còn yếu; công tác xúc tiến thương mại đối với ngành thủ công mỹ nghệ và mây tre đan còn hạn chế, kém hiệu quả.
“Các nhà nhập khẩu quan tâm đến các sản phẩm được tiêu chuẩn hóa về chất lượng, xã hội, môi trường, an ninh… Trong khi đó, có chưa đến 20% doanh nghiệp mây tre đan của Việt Nam đáp ứng được một số tiêu chuẩn hợp quy. Điều này làm giảm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp", ông Khánh nêu thực tế.
"Quy mô thị trường mây tre toàn cầu dự báo đạt 82 tỷ USD vào năm 2028. Nếu ngành mây tre Việt Nam biết hóa giải những điểm yếu, nắm bắt được sự thay đổi thị hiếu, yêu cầu từ thị trường, thì mây tre có thể mang về hàng tỷ USD cho Việt Nam và khả năng chiếm lĩnh 10 - 15% thị phần thế giới là hoàn toàn khả thi”.
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ (Vietcraft).
Để tạo nên những sản phẩm mây tre đan đạt chuẩn xuất khẩu, ông Khánh cho rằng cần đầu tư rất nhiều kinh nghiệm, sáng tạo và công sức. Các làng nghệ luôn phải xây dựng quy trình sản xuất rõ ràng, chi tiết, chú tâm trong việc lựa chọn từ nguyên vật liệu đầu vào tới các mẫu mã sản phẩm đến sản phẩm đầu ra.
Đầu tiên, nguyên liệu phải được lựa chọn lựa kỹ càng đủ thời gian từ những cây mây, tre đạt chuẩn không non không già, hay những cây mây ‘bánh tẻ’ phải được dốc hết gai một cách cẩn thận. Tiếp đó, chúng sẽ được trải qua quá trình sơ chế với nhiều công đoạn kỳ công như ngâm nước cho mềm, chẻ nan hay tuốt nhỏ để cho vừa kích thước, phơi sấy để đạt độ khô dẻo nhất định… Kế tiếp, nguyên liệu sẽ được luộc trong nước sôi hoặc sấy khói rơm để có màu đẹp tự nhiên, cuối cùng mới đến tay người thợ để đan thành các sản phẩm.
Từ nguyên liệu sơ chế người nghệ nhân thực hiện phải có trình độ chuyên môn, thẩm mỹ cao, kỹ thuật khéo léo, đôi bàn tay dày dặn kinh nghiệm và sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Mỗi thị trường nhập khẩu sẽ có một nhu cầu sử dụng và xu hướng yêu thích hình dáng và công dụng của sản phẩm khác nhau, người nghệ nhân sẽ lựa chọn chất liệu, quyết định kiểu dáng và phối hoa văn sao cho phù hợp.
“Những sản phẩm mây tre đan càng đơn giản thì càng cần nhiều sự sáng tạo của nghệ nhân, để những sản phẩm đó trở nên nghệ thuật và đặc biệt hơn. Trong số đó không ít những sản phẩm mất đến tháng trời để có thể hoàn thiện”, ông Khánh nói.
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ (Vietcraft), cho rằng xu hướng tiêu dùng và sử dụng sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên thế giới đã thay đổi, đòi hỏi quy trình sản xuất phải minh bạch, rõ ràng, từ vùng nguyên liệu đến cả quá trình làm ra sản phẩm. Đồng thời, các làng nghề cần thiết kế đẹp hơn, áp dụng công nghệ thông tin giúp sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu thị trường, cũng như có nhiều thông điệp hơn về giá trị nhân văn và giá trị văn hóa.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các thị trường như Ấn Độ, Mexico, Thái Lan… Do đó, Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ khuyến cáo doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất nên khai thác thêm một số thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Chile… bên cạnh các thị trường truyền thống.