Tiếp tục kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất không cố định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 1% như quy định hiện hành, còn doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị giảm một nửa mức đóng…
Mới đây, tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động là thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp tháng đó. Song người sử dụng lao động phải thông báo cho cơ quan Bảo hiểm xã hội đối với trường hợp này.
Dự thảo luật cũng quy định, tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố, thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng, tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, người sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất sửa đổi quy định về mức đóng, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, để đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Luật hiện hành cố định mức mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của cả người lao động và người sử dụng lao động đều là 1% tiền lương tháng và tổng quỹ lương.
Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, việc cố định mức đóng là 1% chưa đảm bảo tính linh hoạt, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái, khi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn.
Thực tế vấn đề giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đã được các doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần. Cuối năm ngoái, 13 hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của cả người sử dụng lao động và người lao động từ 1% xuống còn 0,5%.
Đóng góp ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), mới đây Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động vẫn cao, tối đa 1% tiền lương tháng.
Việc linh hoạt tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp là một trong những giải pháp để tránh cho Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp kết dư quá nhiều.
Tuy nhiên, nhiều chính sách hiện nay của bảo hiểm thất nghiệp chưa phù hợp với tình hình hiện tại, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kết dư này.
Ví dụ, quỹ hỗ trợ về thu nhập cho người lao động bị thất nghiệp, nhưng hiện nay nhu cầu tuyển lao động tại các doanh nghiệp nhiều, nên người người lao động nhanh chóng tìm được việc làm, nên cũng không cần quá nhiều sự hỗ trợ từ quỹ. Hay quỹ hỗ trợ về đào tạo cho doanh nghiệp nhưng thủ tục phức tạp, nên thực tế doanh nghiệp cũng không nhận được khoản hỗ trợ này…
Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động xuống còn 0,5%, và điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Bảo hiểm xã hội theo quy định này.
Dù mức đóng bảo hiểm thất nghiệp hiện cố định 1%, song thực tế trong giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được đã được Chính phủ điều chỉnh giảm còn 0,5%, thậm chí có thời điểm miễn đóng cho doanh nghiệp.