TikTok tiếp tục mở rộng dịch vụ, trở thành đối thủ của cả Spotify và Apple Music
Ứng dụng Trung Quốc đang “làm mưa làm gió” trên nhiều lĩnh vực vừa ra mắt TikTok Music nhằm mở rộng và tìm kiếm thêm nguồn doanh thu...
TikTok gần đây đã trở thành đối thủ mới của gã khổng lồ phát nhạc trực tuyến Spotify và Apple Music. Ứng dụng Trung Quốc đang “làm mưa làm gió” trên nhiều lĩnh vực vừa ra mắt TikTok Music nhằm mở rộng và tìm kiếm thêm nguồn doanh thu.
TikTok Music sẽ thử nghiệm dịch vụ tại Úc, Mexico và Singapore. Hồi đầu tháng này, TikTok Music đã được công bố ra mắt tại Indonesia và Brazil.
Tuần trước, TikTok cũng đã công bố một thỏa thuận cấp phép mở rộng với Warner Music Group để phát triển thư viện nội dung âm nhạc của mình.
Mặc dù những nỗ lực này mới chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng các nhà phân tích cho biết TikTok có những lợi thế lớn mà những nhãn hiệu tham gia phát trực tuyến âm nhạc khác không có và điều đó có thể giúp TikTok giành được thị phần.
Jonathan Woo, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Phillip Securities Research cho biết: “Hiện đã có một lượng lớn người dùng cài đặt và sử dụng TikTok và TikTok có thể chuyển đổi cơ sở người dùng này thành những người đăng ký TikTok Music trả phí – như vậy chi phí để có khách hàng của TikTok Music tương đối thấp”.
Theo DataReportal, Indonesia và Brazil là thị trường lớn thứ hai và thứ ba của TikTok, chỉ sau Hoa Kỳ, với lần lượt là 113 triệu và 84,1 triệu người dùng TikTok đang hoạt động từ 18 tuổi trở lên. Trong khi đó, Mexico là thị trường lớn thứ tư của TikTok với 62,4 triệu người dùng.
“TikTok Music sẽ giúp người dùng dễ dàng lưu, tải xuống và chia sẻ các bản nhạc yêu thích của họ từ TikTok,” Ole Obermann, giám đốc phát triển kinh doanh âm nhạc toàn cầu của TikTok, cho biết trong buổi ra mắt tại Indonesia và Brazil.
Theo dữ liệu của MIDiA Research, TikTok là nguồn khám phá âm nhạc phổ biến thứ hai dành cho thanh thiếu niên từ 16 đến 19 tuổi, chỉ sau YouTube. MiDIA Research là một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Vương quốc Anh về giải trí và truyền thông.
Trong cuộc khảo sát người tiêu dùng quý IV của MiDIA, 48% số người được hỏi cho biết YouTube là một trong những nơi chính để họ khám phá âm nhạc, trong khi 41% chỉ ra TikTok. Cuộc khảo sát đã thực hiện với 9.000 người trả lời trên khắp Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Úc, Canada, Đức, Pháp, Thụy Điển, Hàn Quốc và Brazil.
TIKTOK MUSIC CÓ BAO NHIÊU KHẢ NĂNG CẠNH TRANH VỚI SPOTIFY VÀ APPLE MUSIC?
Thị trường phát nhạc trực tuyến hiện đang bị thống trị bởi gã khổng lồ Spotify của Thụy Điển và Apple Music.
Spotify chiếm gần 31% thị trường phát trực tuyến toàn cầu, Apple Music theo sau với 13,7%, theo Báo cáo kinh doanh của Hội nghị thượng đỉnh âm nhạc quốc tế năm 2023.
Nhưng Cirisano nói rằng những người dùng TikTok thường xuyên có thể chuyển đổi thành người dùng TikTok Music nếu họ đang sử dụng các dịch vụ khác như Spotify. Cirisano cho biết: “Nếu đã tham gia vào hệ sinh thái và đang sử dụng TikTok nhiều như vậy, họ có thể sẵn sàng chuyển đổi”.
Tuy nhiên, Woo của Phillip Securities Research cho biết TikTok Music gây ra “ít rủi ro” cho Spotify và Apple Music.
Woo cho biết: “Tôi thực sự nghĩ rằng sẽ rất khó để TikTok Music vượt qua Spotify và Apple Music về thị phần nếu xét đến vị thế đương nhiệm của họ, nhưng TikTok Music chắc chắn có thể ăn nên làm ra một phần trong số đó”. Woo cho rằng thực sự người dùng Spotify hoặc Applel Music không có nhiều động lực chuyển đổi dịch vụ sang TikTok Music vì lòng trung thành với thương hiệu của người dùng trên các nền tảng cao cấp hiện tại này rất mạnh.
Ông nói thêm rằng giá thuê bao hàng tháng cho cả ba dịch vụ dự kiến sẽ “ở mức giá tương tự nhau”. Tại Indonesia, Spotify Premium có giá 54.990 Rupiah Indonesia (3,66 USD) hàng tháng trong khi người dùng iOS trả 49.000 Rupiah Indonesia (3,26 USD) một tháng cho TikTok Music.
“Là người tiêu dùng, tại sao tôi phải trả phí hàng tháng để nghe trên TikTok Music, trong khi tôi có thể nghe miễn phí trên Spotify, mặc dù có quảng cáo?”
TikTok từ chối bình luận về kế hoạch mở rộng TikTok Music. Spotify và Apple Music cũng chưa lên tiếng về thông tin mới này.
TIKTOK ĐANG THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG, TẬP TRUNG MẠNH VÀO ĐÔNG NAM Á?
TikTok đang tìm kiếm sự phát triển ra ngoài nước Mỹ, nơi họ đang phải đối mặt với những cơn gió ngược chính trị ngày càng gia tăng. Ứng dụng TikTok đã bị cấm ở Montana, cũng như Ấn Độ. Giám đốc điều hành TikTok trước đây cho biết công ty sẽ rót “hàng tỷ đô la” vào Đông Nam Á trong vài năm tới.
Thị trường thương mại điện tử TikTok Shop của công ty đang tích cực mở rộng sang Đông Nam Á, cạnh tranh với Shopee và Alibaba của Lazada. Những nỗ lực thương mại điện tử đó cũng có cả tính năng livestream để bán hàng.
TikTok vào tháng 7 cho biết mua sắm trực tiếp không phải là lĩnh vực duy nhất mà họ đang xem xét khi được hỏi liệu đó có phải là “đích đến cuối cùng” cho chiến lược mở rộng của TikTok hay không.
“Mua sắm giải trí không phải là điểm đến duy nhất, nhưng nó chắc chắn là một trong những lĩnh vực chính, đặc biệt là ở Châu Á Thái Bình Dương nơi chúng tôi đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển”, Shant Oknayan, người đứng đầu bộ phận kinh doanh châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi & Đông Âu tại TikTok, cho biết trong một hội nghị thượng đỉnh ở Jakarta vào đầu tháng này.