Tìm lối thoát cho nhãn và nông sản Hưng Yên trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp
Năm 2021, sản lượng nhãn của tỉnh Hưng Yên ước đạt từ 50.000 - 55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 - 20%. Diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi) khoảng 3.800 ha, sản lượng ước đạt 40.000-45.000 tấn. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19…
Ngày 15/7/2021, “Hội nghị Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021” được tổ chức tại Hưng Yên, kết nối với 17 điểm cầu tại các tỉnh, thành trên cả nước và 44 điểm cầu tại khu vực quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng trong chuỗi các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản năm 2021 do UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương tổ chức.
NÔNG SẢN VIỆT NAM SẼ ĐI XA HƠN, BỀN VỮNG HƠN
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, sản lượng thu hoạch nhãn của Hưng Yên năm nay dự kiến đạt khoảng 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 đến 20%, trong đó hơn 60% được sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đây là một tin vui với bà con nông dân tỉnh Hưng Yên, song cũng đặt ra thách thức cho việc đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân”.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc kiên trì mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp các Bộ, ngành và địa phương tập trung giải quyết các vấn đề về chính sách, tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển thị trường và lưu thông hàng hóa.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản đến vụ ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế, lấy thị trường trong nước làm nền tảng nhằm tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản.
Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các nền tảng số để tiêu thụ nông sản trên thị trường trong nước, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên khắp các thị trường quốc tế.
Trong dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ với căn cứ là nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản theo nhu cầu của thị trường.
Thông qua những chương trình kết nối như Hội nghị Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tại Hưng Yên với sự tham gia của đại diện các chủ thể tham gia chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, Thứ trưởng Bộ Công Thương tin tưởng rằng, những chuỗi cung ứng hiện tại sẽ được mở rộng và củng cố, đồng thời sẽ có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành góp phần đưa nông sản của nước ta đi được xa hơn và bền vững hơn.
TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ NÂNG CAO KHẢ NĂNG CẠNH TRANH
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Tỉnh cho biết Hưng Yên - Phố Hiến và nhãn lồng tiến Vua đã có trong tiềm thức của Người Việt từ bao đời, nhưng không chỉ có nhãn lồng, Hưng Yên còn có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đã và đang được người tiêu dùng Việt Nam cũng như một số quốc gia trên thế giới tin dùng như: chuối tiêu hồng; cam và các loại quả có múi; nghệ tươi và tinh bột nghệ; vải lai chín sớm, vải trứng; long nhãn, mật ong hoa nhãn; gà Đông Tảo...
Với lợi thế về vị trí địa lý giáp thủ đô Hà Nội, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nằm trong 2 tuyến hành lang kinh tế Trung Quốc - Việt Nam là Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, đó là điều kiện thuận lợi để Hưng Yên kết nối giao thương, mang những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chất lượng cao của tỉnh tới người tiêu dùng các tỉnh trong Vùng cũng như trên cả nước và xuất khẩu tới các thị trường quốc tế.
Từ điểm cầu Lạng Sơn, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, nhãn là một trong những mặt hàng hoa quả được ưa chuộng và được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Có năm lượng nhãn xuất khẩu qua địa bàn tỉnh đạt gần 350.000 tấn, trị giá khoảng 280 triệu USD. “Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, trái cây tươi luôn được tỉnh Lạng Sơn và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi nhất trong lưu thông cũng như giải quyết thủ tục thông quan”.
Khẳng định chất lượng nông sản, trong đó có trái cây tươi của Việt Nam đang được người tiêu dùng Trung Quốc tin tưởng, ông Hồ Toả Cẩm, Tham tán công sứ phụ trách kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam thông tin: Việt Nam là quốc gia cung cấp lớn thứ 3 trái cây tươi cho thị trường Trung Quốc. Nhiều loại nông sản của Việt Nam như thanh long, vải, nhãn được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.
"Để nông sản Việt Nam, trong đó có nhãn của Hưng Yên hiện diện nhiều hơn tại thị trường Trung Quốc, các đơn vị chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tạo thuận lợi hơn nữa trong công tác thông quan cho hàng nông sản hai nước; khuyến khích doanh nghiệp uy tín của Trung Quốc đầu tư dự án chế biến nông sản tại các địa phương và Hưng Yên để nâng cao giá trị nông sản".
Ông Hồ Toả Cẩm, Tham tán công sứ phụ trách kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam
Tại điểm cầu Hoa Kỳ, ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ: Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu 6 loại hoa quả tươi sang Hoa Kỳ. Các loại hoa quả khác xuất khẩu dưới dạng chế biến. Cơ quan Chính phủ hai bên đang đàm phán để Hoa Kỳ cấp phép xuất khẩu thêm cho trái cây tươi của Việt Nam.
Tuy vậy, trái cây Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ đang bị cạnh tranh gay gắt. Để xuất khẩu bền vững trái cây sang thị trường này, ông Bùi Huy Sơn cho rằng: Doanh nghiệp trong nước cùng nhà nhập khẩu nghiên cứu phương thức thanh toán phù hợp, tránh rủi ro; thuê kho lạnh để bảo quản và bảo đảm chất lượng trái cây tươi; chủ động cập nhật thông tin thị trường hoa Kỳ; kiên trì cung cấp sản phẩm cho các hệ thống phân phối lớn, sản phẩm hữu cơ mới có thể đảm bảo cạnh tranh và xuất khẩu bền vững.
Khẳng định giao thương trực tuyến, thương mại điện tử là kênh tiêu thụ quan trọng trong bối cảnh Covid-19, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết việc đưa nhãn lên sàn thương mại điện tử không chỉ nhằm tiêu thụ đặc sản mang tính mùa vụ, mà kỳ vọng đây sẽ là hướng đi mới để người nông dân nói chung và người trồng nhãn Hưng Yên nói riêng có thêm kênh phân phối nông sản bền vững, góp phần chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
Ghi nhận và tiếp thu tiếp thu ý kiến đóng góp tại các điểm cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Uỷ viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hưng Yên khẳng định: Trong thời gian tới, Hưng Yên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh, phục vụ tốt cho việc giao thương, tiêu thụ nhãn lồng và nông sản niên vụ 2021 và các niên vụ tiếp theo.