Tín dụng tại Hà Nội bất ngờ chỉ tăng 0,7% trong quý 1
Tín dụng trên địa bàn Hà Nội đang tăng chậm hơn nhiều so với mức 2,04% của toàn bộ nền kinh tế
Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2021 trong đó bao gồm cả chỉ tiêu về tín dụng ngân hàng.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Mặc dù đã cố gắng đẩy mạnh tín dụng nhưng số liệu hết quý 1/2021 lại cho thấy, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn chỉ đạt 2.220 nghìn tỷ đồng. Tức chỉ tăng 0,1% so tháng trước và tăng 0,7% so với thời điểm kết thúc năm 2020.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn bộ nền kinh tế quý đầu năm lên tới 2,04%. Như vậy, tín dụng trên địa bàn Hà Nội đang tăng chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nước.
Chi tiết về cơ cấu tín dụng tại Hà Nội, theo kỳ hạn, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 892 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 1,3% so với thời điểm kết thúc năm 2020; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.328 nghìn tỷ đồng, tương đương tháng trước và tăng 0,3% so với thời điểm kết thúc năm 2020.
Cho vay theo các chương trình tín dụng, đến hết tháng 3, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 182 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng dư nợ cho vay; xuất khẩu đạt 105 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,3%; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 379 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,9%; bất động sản đạt 419 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,9%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4%; chính sách xã hội đạt 9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,5%; cho vay theo chương trình phục vụ nhu cầu đời sống đạt gần 388 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,3%; cho vay chứng khoán đạt 7 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4%.
Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 5,5- 8,0%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-9,0%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 4,5%/năm.
Tương tự, về hoạt động huy động vốn, hiện tại tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 3.777 nghìn tỷ đồng, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 0,7% so với thời điểm kết thúc năm 2020.
Trong đó, tiền gửi VND đạt 3.111 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với thời điểm kết thúc năm 2020; tiền gửi ngoại tệ đạt 409 tỷ đồng, tăng 0,1%; tiền gửi tiết kiệm đạt 1.440 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5%; tiền gửi thanh toán đạt 2.080 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8%.
Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,0-6,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6- 6,8%/năm. Lãi suất huy động USD của tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Đáng chú ý, về chất lượng tín dụng tại Hà Nội, hết tháng 3/2021, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 1,9% trong tổng dư nợ và 2,1% trong tổng dư nợ cho vay, không đổi so với thời điểm cuối tháng trước.