Tỉnh Hải Nam của Trung Quốc thí điểm mở cửa “Tường lửa"

Bạch Dương
Chia sẻ

Tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) mới đây đã thí điểm cho phép một số doanh nghiệp vượt qua tường lửa (Great Firewall), hệ thống kiểm duyệt nghiêm ngặt môi trường internet của Trung Quốc…  

Great Firewall là hệ thống kiểm duyệt internet nghiêm ngặt của Trung Quốc
Great Firewall là hệ thống kiểm duyệt internet nghiêm ngặt của Trung Quốc

Chương trình “Kết nối toàn cầu”, do Trung tâm Dịch vụ Toàn diện Dữ liệu Quốc tế Hải Nam (HIDCSC) quản lý, sẽ cho phép một số công ty hoạt động tại Hải Nam được truy cập Internet mà không bị hạn chế. “Đặc ân” này gần như là điều không tưởng ở phần còn lại của Trung Quốc đại lục, quốc gia nổi tiếng với các biện pháp kiểm soát Internet nghiêm ngặt bậc nhất thế giới. 

Theo chương trình thí điểm, nhân viên tại các công ty đã đăng ký đủ điều kiện sẽ có thể truy cập vào các nền tảng quốc tế từng bị chặn tại Trung Quốc như Google, Wikipedia, YouTube, X (Twitter) và TikTok. 

Tuy nhiên, người dùng không hoàn toàn được truy cập tự do, một số nội dung vẫn sẽ bị giới hạn. Đại diện Trung tâm Dịch vụ Dữ liệu Quốc tế Hải Nam (HIDCSC) từ chối nêu cụ thể những trang web nào vẫn nằm trong danh sách cấm.

Một lưu ý khác là quy trình đăng ký không đơn giản. Người dùng bắt buộc phải sử dụng dịch vụ 5G của một trong ba nhà mạng công của Trung Quốc gồm China Mobile, China Unicom hoặc China Telecom. Họ cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp đang làm việc. Theo một đại diện giấu tên của HIDCSC, quá trình xét duyệt có thể kéo dài tới năm tháng. 

“Hiện chương trình chưa giới hạn quy mô hay lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp tham gia. Dịch vụ này đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ giới kinh doanh”, người này chia sẻ với tờ South China Morning Post.

Chương trình thí điểm được triển khai trong bối cảnh Hải Nam đang tiến gần tới cơ chế hải quan độc lập vào cuối năm nay. Đây là một phần trong chiến lược dài hơi của Trung Quốc nhằm biến Hải Nam thành vùng thương mại tự do hàng đầu, sánh ngang với các trung tâm kinh tế quốc tế.

Kế hoạch “nới lỏng” không gian mạng lần này của Trung Quốc cũng nhằm giải quyết khó khăn lâu nay của các doanh nghiệp quốc tế khi vào hoạt động. 

Trước đây, Trung tâm Dịch vụ Dữ liệu Quốc tế Toàn diện Hải Nam (HIDCSC) chuyên cung cấp các dịch vụ truy cập Internet quốc tế cho doanh nghiệp, chủ yếu chỉ phục vụ các công ty thương mại điện tử có thị trường hướng ra nước ngoài.

Tuy nhiên, chương trình “Kết nối toàn cầu” lần này được xem là một nỗ lực bài bản và hệ thống hơn, nhằm tháo gỡ những rào cản về truy cập Internet vốn từ lâu gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh quốc tế tại Trung Quốc.

Trước đây, từng có nhiều đồn đoán về việc Trung Quốc miễn trừ tường lửa tại các đặc khu kinh tế, nhưng những khả năng này đều không trở thành hiện thực. Vì vậy, chương trình thí điểm tại Hải Nam đang nổi lên như một ngoại lệ đáng chú ý trong chính sách kiểm soát thông tin vốn rất chặt chẽ của Trung Quốc. 

Tuy vậy, nhìn chung, quy mô chương trình vẫn còn khiêm tốn. Việc miễn trừ chỉ áp dụng cho một nhóm người dùng thuộc các doanh nghiệp đủ điều kiện, thay vì cho công chúng nói chung. Bên cạnh đó, nhiều nội dung vẫn bị giới hạn mà không công bố cụ thể. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn kiên định với chủ trương kiểm soát chặt chẽ không gian mạng.

Khi Hải Nam tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng cho mô hình cảng thương mại tự do, mức độ thành công của chương trình “Kết nối toàn cầu” có thể sẽ tạo tiền lệ để Trung Quốc xem xét mở rộng chính sách tương tự sang các khu vực kinh tế đặc biệt khác. 

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng với phạm vi còn hạn chế và quy trình xét duyệt phức tạp, bất kỳ bước tiến nào trong việc "mở cửa" Internet tại Trung Quốc vẫn sẽ được kiểm soát chặt chẽ, triển khai một cách thận trọng và có tính toán, thay vì là dấu hiệu của sự thay đổi toàn diện trong chính sách kiểm duyệt thông tin của quốc gia này.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con