Tổng nhu cầu vốn cho Quy hoạch điện 8 giai đoạn 2031 - 2045 lên tới 180,1 - 227,38 tỷ USD
Theo Quy hoạch điện 8, năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 102.590 - 105.265 MW, và tăng lên khoảng 130.371 - 143.839 MW vào năm 2030. Tổng nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 99,32 - 115,96 tỷ USD...
Sau khi được Hội đồng thẩm định họp xem xét và bỏ phiếu thông qua, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và chính thức trình Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) lên Chính phủ.
XÂY DỰNG TRÊN BA QUAN ĐIỂM CỐT LÕI
Quá trình xây dựng Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương đã tuân thủ theo đúng các quy định của Luật Quy hoạch. Bộ đã tổ chức các cuộc hội thảo giữa kỳ, cuối kỳ và tiến hành tham vấn cộng đồng về nội dung Đề án.
Đồng thời đăng tải thông tin lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ (moit.gov.vn), gửi lấy ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 16 Bộ và cơ quan, các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng và 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.
Bộ Công Thương đã nhận được 681 ý kiến đóng góp, trong đó có ý kiến từ các Bộ, ngành là 141, từ các đơn vị của Bộ Công Thương là 89, từ các đơn vị hoạt động trong ngành điện là 254, từ UBND, Sở Công Thương các tỉnh là 117 và tổ chức, cá nhận, chuyên gia là 80 ý kiến.
Tháng 3/2021, Bộ Công Thương đã báo cáo Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện 8.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát, hoàn thiện Đề án và tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan đơn vị liên quan. Bộ Công Thương đã nhận được thêm 157 ý kiến từ các Bộ, cơ quan, 143 ý kiến của các tập đoàn tổng công ty.
Đề án Quy hoạch điện 8 được xây dựng trên cơ sở định hướng tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị, trên cơ sở ba quan điểm cốt lõi.
Thứ nhất, phát triển điện lực đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân.
Thứ hai, phát triển đồng bộ nguồn và lưới; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng miền; không xây dựng thêm các đường dây truyền tải điện liên miền giai đoạn 2021-2030; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây tải điện liên miền giai đoạn 2031-2045.
Thứ ba, tiếp tục xem xét, phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo và năng lượng mới (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác…) với quy mô phù hợp. Xem xét lộ trình giảm các nguồn điện than, phát triển các nguồn điện khí hóa lỏng (LNG) một các hợp lý. Tăng cường nhập khẩu điện trên cơ sở tuân thủ các văn bản ghi nhớ đã cam kết.
ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỆN
Theo Bộ Công Thương, tới thời điểm hiện tại, đã có nhiều biến động lớn trong phát triển điện lực, như việc Quốc hội đã quyết định dừng thực hiện nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, tạo ra sự bùng nổ đầu tư của các dự án điện mặt trời, điện gió (chủ yếu do các nhà đầu tư tư nhân thực hiện).
Những biến động lớn trong phát triển điện lực có tác động lớn tới tình hình phát triển điện lực của Việt Nam, vì vậy việc lập Quy hoạch điện 8 là nhiệm vụ cấp bách và có tính thời sự cao.
Mặt khác, sự chậm trễ và khó khăn trong đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện (đặc biệt là các nhà máy điện truyền thống); sự phát triển của công nghệ trong sản xuất và truyền tải điện (đặc biệt là công nghệ điện mặt trời, điện gió), dẫn tới khả năng giảm sâu giá thành sản xuất của loại hình nguồn điện này; sự xuất hiện của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng to lớn tới quá trình sản xuất, truyền tải và phân phối điện…
Trong tương lai, sự phát triển của ngành điện Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức lớn hơn trong việc thoả mãn nhu cầu tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.
Cụ thể, nhu cầu điện đang và còn tiếp tục tăng trưởng cao; nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu.
Xây dựng nhiều nguồn điện không theo sát quy hoạch, phân bố trên vùng miền mất cân đối dẫn đến tăng thêm lượng điện truyền tải lãng phí, tổn thất truyền tải còn cao.
Vì vậy, theo Bộ Công Thương, Quy hoạch Điện 8 sẽ định hướng được tương lai phát triển của ngành điện; định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện; xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện và đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch.
ƯU TIÊN KHAI THÁC NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO
Quy hoạch điện 8 lần này được xây dựng nhằm mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng GDP bình quân là khoảng 6,6%/năm trong giai đoạn 2021-2030 và khoảng 5,7%/năm trong giai đoạn 2031-2045.
Trong số các mục tiêu được đặt ra có việc ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 11,9-13,4% vào năm 2030 và khoảng 26,5-28,4% và năm 2045.
Theo kế hoạch phát triển nguồn điện, năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 102.590-105.265 MW, trong đó: thủy điện đạt 25.323 MW chiếm tỷ lệ 24,1-24,7%; nhiệt điện than 29.679 MW chiếm tỷ lệ 28,2-28,9%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 14.117 MW chiếm tỷ lệ 13,4-13,7%; nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) 29.618-31.418 MW chiếm tỷ lệ 28,9-29,8%; nhập khẩu điện 3.853-4.728 MW chiếm tỷ lệ 3,7-4,5%.
Vào năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 130.371-143.839 MW, trong đó: thủy điện và thủy điện tích năng đạt 26.684-27.898 MW chiếm tỷ lệ 19,4-20,5%; nhiệt điện than 40.899 MW chiếm tỷ lệ 28,4-31,4%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 27.471-32.271 MW chiếm tỷ lệ 21,1-22,4%; nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) 31.380-37.030 MW chiếm tỷ lệ 24,3-25,7%; nhập khẩu điện 3.936-5.742 MW chiếm tỷ lệ 3-4%.
Đến năm 2045, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 261.951-329.610 MW, trong đó: thủy điện và thủy điện tích năng đạt 35.677-41.477 MW chiếm tỷ lệ 12,6-13,6%; nhiệt điện than 50.949 MW chiếm tỷ lệ 15,4-19,4%; nhiệt điện khí (tính cả LNG) 61.683-88.533 MW chiếm tỷ lệ 23,5-26,9%; nguồn năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) 104.900-137.610 MW chiếm tỷ lệ 40,1-41,7%; nhập khẩu điện 8.743-11.042 MW chiếm tỷ lệ 3,3%.
Trong Đề án mới, Bộ Công Thương kiến nghị lựa chọn kịch bản phụ tải cao làm phương án điều hành, nhằm đảm bảo mức dự phòng nguồn điện hợp lý, đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế tăng trưởng theo mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước tới năm 2045.
Như vậy, so với Đề án được trình vào tháng 3/2021, ở phương án phụ tải cơ sở, năm 2030, tổng công suất đặt trong Đề án mới này đã giảm 7.689 MW, đến năm 2045 giảm 15.000 MW. Ở phương án phụ tải cao, Đề án mới cũng giảm 6.000 MW vào năm 2030 và giảm 14.200 MW vào năm 2045.
Theo Đề án Quy hoạch điện 8, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32-115,96 tỷ USD, trong đó: vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện khoảng 85,70-101,55 tỷ USD (mỗi năm khoảng 8,57- 10,15 tỷ USD), cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58-14,41 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,36-1,44 tỷ USD).
Trong giai đoạn 2031 – 2014, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực khoảng 180,1-227,38 tỷ USD, trong đó: vốn đầu tư cho phát triển nguồn điện khoảng 163,14-208,89 tỷ USD (mỗi năm khoảng 10,88-13,93 tỷ USD), cho lưới điện khoảng 16,93-18,49 tỷ USD (mỗi năm khoảng 1,13-1,23 tỷ USD).