TP.HCM: Hơn 90% học sinh đi học thực tế trong thời gian thí điểm và mở rộng
Khi triển khai thí điểm dạy học trực tiếp đối với học sinh khối 9, 12 và một tuần mở rộng đối với các khối 7, 8, 10 và 11, tỷ lệ học sinh đi học thực tế tại các quận, huyện đều trên 90% có nơi đạt 98-99%...
Các phòng GD&ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức, lãnh đạo các trường THPT và đơn vị ngoài công lập trên địa bàn TP. HCM vừa tổ chức họp giao ban triển khai các hoạt động liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.
Theo thông tin từ Phòng chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP) cho biết, sau khi triển khai thí điểm dạy học trực tiếp đối với học sinh khối 9, 12 và một tuần triển khai mở rộng đối với các khối 7, 8, 10 và 11, tỷ lệ học sinh đi học thực tế tại các quận, huyện đều trên 90% có nơi đạt 98-99%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ khảo sát phụ huynh đồng thuận cho con đến trường trước đó làchỉ từ 60-80%.
Sở dĩ tỷ lệ học sinh đến trường tăng được lý giải là do việc triển khai các phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch của các cơ sở giáo dục, kết hợp việc tuyên truyền đối với học sinh, phụ huynh trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm của thời gian tổ chức dạy học trực tiếp trước đó. Đặc biệt trong tuần mở rộng số lượng các ca F0 là học sinh, giáo viên phát hiện trực tiếp tại trường học không tăng so với thời điểm chỉ triển khai thí điểm đối với khối 9 và 12 dù quy mô học sinh tăng thêm 3 lần.
Đáng lưu ý, công tác phòng chống dịch tại các cơ sở trường học như phương án xử lý khi phát hiện F0, xác định đối tượng là F1… hiện vẫn tiếp tục triển khai rất chặt chẽ theo đúng các văn bản hướng dẫn trước đó của liên Sở Y tế và Sở GD&ĐT TP.
Những kết quả này là tín hiệu đáng mừng nhưng Sở GD&ĐT TP. HCM vẫn lưu ý khi quy mô học sinh đến trường tăng lên, việc đảm bảo mật độ học sinh trong trường học, đặc biệt đầu giờ vào học, giờ chơi và giờ ra về sẽ khó khăn hơn nhiều. Do đó đề nghị cán bộ quản lý, giáo viên các trường học cần quan tâm hơn nữa đến việc đảm bảo mật độ và khoảng cách giữa học sinh trong thời gian sinh hoạt tại trường, nghiêm túc thực hiện việc đeo khẩu trang trong suốt quá trình dạy và học để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đồng thời khuyến cáo các đơn vị trường học không sử dụng buồng khử khuẩn để khử khuẩn toàn thân cho học sinh hoặc các hệ thống phun sương bằng nước ion để sát khuẩn vì sẽ ảnh hưởng sức khỏe học sinh. Song song đó, việc tiêm vaccine mũi nhắc lại (mũi 3) cho cán bộ, giáo viên và thực hiện tiêm vét mũi 1, 2 đối với học sinh phải được các phòng GD&ĐT tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện đẩy nhanh thực hiện.
Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ làm việc với Sở Y tế để tham mưu UBND TP. HCM kế hoạch tiếp tục mở rộng đối tượng học sinh đến trường với các bậc mầm non, tiểu học và lớp 6 từ sau Tết Nguyên đán năm 2022. Đặc biệt, hiện nay không có bất kỳ quy định nào yêu cầu học sinh phải có chứng nhận âm tính mới được vào trường học.
Còn ở góc độ chuyên môn, Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT TP) cũng cung cấp thêm thông tin, dù TP. HCM đã cho phép triển khai dạy học trực tiếp đối với học sinh các khối 7, 8, 9, 10, 11 và 12 nhưng các trường THCS và THPT vẫn xác định rõ tinh thần kết hợp song song hai hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp từ đây đến hết năm học. Khi triển khai dạy học trực tiếp, trường học không tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh ngay mà phải dành thời gian rà soát lại tình hình, kết quả tiếp thu của học sinh, củng cố và bổ sung kiến thức trước khi tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1.
Đề kiểm tra học kỳ cần xây dựng ma trận đề phù hợp trình độ học sinh, không nên nâng độ khó đề kiểm tra, không để xảy ra tình trạng đề thi quá dễ hoặc quá khó. Với những trường hợp học sinh không đến trường vì lý do bất khả kháng, hiệu trưởng có quyền quyết định hình thức kiểm tra học kỳ phù hợp. Riêng học sinh khối 6 vẫn chưa quy định kiểm tra học kỳ 1 trong giai đoạn từ ngày 10-22/1 như các khối 7, 8, 9, 10, 11 và 12.