TP.HCM: ngày đầu tiên giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15
Ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, TP.HCM đã có ít nhiều thay đổi...
Các tuyến đường trên thành phố đều vắng vẻ, ngoại trừ khu vực quận Gò Vấp bị ùn ứ vào buổi sáng do người dân chưa nắm rõ thông tin và lộ trình di chuyển
QUẬN GÒ VẤP: ÙN Ứ TẠI CÁC CHỐT KIỂM SOÁT
Thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ 0 giờ ngày 31/5, Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp đã phối hợp với các cơ quan liên quan lập chốt kiểm soát phương tiện giao thông ra vào quận. Người dân không được ra khỏi quận, trừ các trường hợp được phép theo Chỉ thị.
Ngay trong đêm, trước thời điểm hiệu lực giãn cách, những chốt chặn kiểm soát tại các cửa ngõ của quận Gò Vấp đã được lập, gồm: Cầu thép An Phú Đông (phường 5), cầu An Lộc (phường 17), cầu Bến Phân (phường 15), cầu Trường Đai (phường 13), cầu Chợ Cầu (phường 14), số 399 Tân Sơn (phường 12), Phan Huy Ích (phường 14), ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng (phường 1), Lê Quang Định (phường 1), và góc Phạm Văn Đồng - Công viên Gia Định.
Mỗi chốt đều có các lực lượng công an, dân quân, bảo vệ dân phố, cán bộ y tế, đảm bảo đủ lực lượng và được chia làm 3 ca để trực 24/24 giờ. Những chốt này đặt ở các cửa ngõ giáp ranh giữa quận Gò Vấp và các địa bàn khác để kiểm soát xe ra vào quận.
Các xe chở hành khách như taxi, grab, phương tiện di chuyển cá nhân đều không được phép ra - vào. Những người có lộ trình đi ngang tuyến đường này đều được lực lượng chức năng hướng dẫn chuyển sang những đường khác.
Nhiều người dân không hay biết vẫn di chuyển tới các điểm chốt chặn, trong đó có dân ở các quận khác vào làm việc trong quận Gò Vấp. Các lực lượng chức năng đã yêu cầu các xe quay đầu, gây ùn ứ giao thông suốt nhiều giờ liền tại nhiều khu vực ở Gò Vấp.
YÊN ẮNG SÀI GÒN
Khác với tình hình giao thông ở một số khu vực chốt chặn ở quận Gò Vấp, tại nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố và quanh khu vực trung tâm vắng tanh xe cộ lẫn người đi lại. Quang cảnh rất bình yên.
Trái ngược với hình ảnh chiều ngày 30/5, nhiều siêu thị trên địa bàn TP.HCM trong buổi sáng ngày 31/5 rơi vào cảnh “chợ chiều”. Dù hàng hóa khô, các mặt hàng rau của quả, thịt cá tươi sống… đã được cung cấp và trưng bày rất đầy đủ và đa dạng trên các quầy, kệ.
TẠM NGƯNG NHIỀU CHUYẾN XE KHÁCH, BUÝT CÔNG CỘNG
Trên cơ sở thống nhất với Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp, Ủy ban nhân dân quận 12 và chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.HCM, Sở Giao thông - Vận tải có văn bản khẩn về việc tổ chức hoạt động vận tải đường bộ trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Theo thông báo này, tạm ngưng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt (các tuyến số 03, 32, 58, 59 và 103), xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ), xe du lịch, xe trung chuyển hoạt động trên địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 kể từ 0 giờ ngày 31/5 đến hết ngày 14/6. Trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, xe hỗ trợ vận chuyển người dân trong các trường hợp cấp thiết tại các bệnh viện.
Các phương tiện giao thông đường bộ lưu thông từ các địa bàn khác qua địa bàn quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12 được phép lưu thông trên một số tuyến đường tại quận Gò Vấp như Lê Đức Thọ, Thống Nhất, Quang Trung, Nguyễn Oanh, cầu An Phú Đông, Phan Huy Ích, đường Tân Sơn, Phạm Văn Bạch, Phan Văn Trị, đường Lê Quang Định, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm, Hoàng Minh Giám, đường Bạch Đằng và Hồng Hà. Trên địa bàn phường Thạnh Lộc, quận 12 thì gồm đường Hà Huy Giáp, cầu Phú Long, Quốc lộ 1. Tuy nhiên, chỉ lưu thông chứ không được phép dừng, đỗ và đón, trả khách.
Về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, theo Sở Giao thông - Vận tải, tất cả các chuyến xe buýt khi hoạt động đều phải đảm bảo việc vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa, ngồi giãn cách, không quá 20 người trên phương tiện cùng một thời điểm, kể cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Hành khách trên xe buộc phải mang khẩu trang và bắt buộc phải khai báo y tế.
Tương tự, với hoạt động vận tải khách xe taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ (bao gồm xe có ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách) vẫn được hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các chi đạo của Bộ Giao thông - Vận tải. Vận chuyển không quá 50% sức chứa, phải thực hiện khai báo y tế và đeo khẩu trang khi sử dụng dịch vụ theo đúng quy định...
Đối với hoạt động vận tải liên tỉnh (xe tuyến cố định), xe hợp đồng, xe du lịch, xe trung chuyển, tất cả các chuyến xe khi hoạt động đều phải đảm bảo việc vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 10 người/chuyến, kể cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Hành khách trên xe buộc phải mang khẩu trang đúng cách, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định. Với xe đưa đón công nhân thì ngồi quá 20 người/chuyến.
Tất cả xe vận chuyển công cộng nói trên đều phải trang bị dung dịch khử khuẩn phục vụ hành khách. Thực hiện việc khử khuẩn sau mỗi chuyến vận chuyển, hàng ngày. Không vận chuyển hành khách không chấp hành theo quy định.