14:43 08/03/2024

Tổng cục Thuế yêu cầu rà soát kinh doanh vàng, phát giác sớm dấu hiệu trốn thuế

Ánh Tuyết

Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế tiếp tục rà soát toàn bộ doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý. Từ đó, kịp thời phát hiện các cá nhân, đơn vị mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế hoặc kê khai gian dối, có sự chênh lệch...

Các giao dịch mua bán vàng, đá quý thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào, do đó, dễ dẫn đến thất thu thuế và sai quy định về hóa đơn, chứng từ.
Các giao dịch mua bán vàng, đá quý thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào, do đó, dễ dẫn đến thất thu thuế và sai quy định về hóa đơn, chứng từ.

Tổng cục Thuế vừa có công văn yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

THANH KIỂM TRA KHI PHÁT HIỆN RỦI RO

Tại thời điểm khảo sát sáng ngày 8/3, giá vàng trên sàn giao dịch của một số công ty như sau: vàng SJC tăng 800.000 đồng/lượng cả hai chiều, tiến sát mức 82 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 79,8 triệu đồng/lượng mua vào và 81,82 triệu đồng/lượng bán ra.

Tương tự, DOJI tại khu vực Hà Nội điều chỉnh tăng 900.000 đồng chiều mua vào, lên mức 79,85 triệu đồng/lượng mua vào và tăng 850.000 đồng, ở mức 81,8 triệu đồng/lượng bán ra. 

Giá vàng thế giới cũng tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, kéo dài đà tăng cao kỷ lục trong tuần này. Xung lực tăng được duy trì mạnh mẽ nhờ đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay. 

Hiện thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, tăng nhanh, tác động tiêu cực đến an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Công văn số 157/BCĐ389-VPTT ngày 8/12/2023 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Công văn số 03/BTC-BCĐ ngày 19/1/2024 của Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính về việc tăng cường kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu mặt hàng vàng, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các địa phương tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

Cụ thể, thứ nhất, yêu cầu các cục thuế tổ chức quán triệt, nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo tại các công văn nêu trên.

 Thứ hai, thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại Công văn số 5045/TCT-TTKT ngày 22/12/2021; Công văn số 1002/TCT-TTKT ngày 4/4/2022 và Công văn số 2705/TCT-TTKT ngày 30/6/2023 về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

 

"Qua công tác quản lý thuế kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng", Tổng cục Thuế đề nghị.

Theo đó, các cục thuế tiếp tục rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.

Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định.

Trường hợp phát hiện rủi ro thì thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo quy định, trong đó tiếp tục chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn theo đúng quy định và hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

Bên cạnh đó, lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn thực hiện nghiên cứu, triển khai, theo dõi và quản lý các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng, trang sức, mỹ nghệ.

Tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý.

"Quản lý thuế kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng", Tổng cục Thuế đề nghị.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở, ban, ngành để tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý.

Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan như: công an, quản lý thị trường, ngân hàng, hải quan để thực hiện quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh vàng bạc, đá quý, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế.

Trường hợp qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ DỄ GÂY THẤT THU NGÂN SÁCH

Bên cạnh việc siết quản lý thuế, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó đề xuất giữ nguyên cách tính thuế giá trị gia tăng trực tiếp với mua bán, chế tác vàng, đá quý. Tức là, thuế giá trị gia tăng = giá trị tăng thêm (giá bán - mua vào) x thuế suất.

Tuy nhiên, nhiều địa phương góp ý nên thay phương pháp này bằng cách tính thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đối với doanh nghiệp có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý do khó kiểm soát giá, dẫn đến thất thu ngân sách.

Thêm nữa, quy định mức tỷ lệ (%) trên doanh thu riêng đối với hoạt động kinh doanh mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý (không áp dụng tỷ lệ của các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ).

Theo đề xuất của tỉnh Quảng Nam, hiện nay mặt hàng vàng, bạc, đá quý là loại hàng hóa đặc biệt vừa là hàng hóa, vừa là phương tiện thanh toán; rất khó kiểm soát giá. Các giao dịch mua bán vàng, đá quý thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào. 

Hơn nữa, giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý giữa giá thanh toán bán ra với giá thanh toán mua vào tại một thời điểm mức chênh lệch không cao. Vì vậy, áp dụng phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng thì khó quản lý, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.

Cùng chung quan điểm, tỉnh Cần Thơ cũng phản ánh thực tế trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc, đá quý, cơ quan thuế chưa có biện pháp quản lý giá vốn mua vào, vì người dân đến bán vàng thường không có hóa đơn.

Doanh nghiệp tự lập bảng kê theo giá thị trường để tính giá vốn mua vào tương ứng. Giá mua này thường tiệm cận giá bán dẫn đến giá trị tăng thêm thấp, thuế giá trị gia tăng phải nộp trong trường hợp này không đúng thực tế, dẫn đến thất thu thuế và sai quy định về hóa đơn, chứng từ để làm căn cứ ghi vào sổ sách kế toán theo quy định.

Tỉnh Cần Thơ cũng đề xuất bổ sung quy định bắt buộc đối tượng này phải thực hiện hóa đơn điện tử từ máy tính tiền.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng không có cơ sở đưa ra mức tỷ lệ với hoạt động này và doanh thu kinh doanh vàng rất lớn, nên cơ quan này đề nghị giữ nguyên như dự thảo.