TP.HCM xây dựng kế hoạch điều trị 500 ca mắc Covid-19 nặng
Cùng với kế hoạch tăng số giường điều trị Covid-19 theo kịch bản 10.000 -15.000 trường hợp mắc, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kế hoạch ứng phó Covid-19 với kịch bản 500 trường hợp nặng…
Theo Sở Y tế TP.HCM, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số ca dương tính ngày càng tăng tương ứng với số trường hợp nặng cần hồi sức tích cực.
Để chủ động ứng phó hiệu quả với diễn biến mới của dịch bệnh, đồng thời tăng cường hiệu quả điều trị cho người bệnh mắc Covid-19, nhất là các trường hợp nặng, Sở Y tế đề nghị các đơn vị triển khai những nội dung sau:
Căn cứ vào năng lực triển khai các kỹ thuật chuyên sâu, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Thủ Đức được chuyển lên nhóm các bệnh viện chuyên hồi sức chuyên sâu các trường hợp Covid-19 nặng và nguy kịch (trước đây là nhóm các bệnh viện điều trị Covid-19 có triệu chứng). Sở Y tế đề nghị Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Thủ Đức khẩn trương rà soát nguồn lực, đặc biệt là công tác hồi sức cấp cứu để chuẩn bị tiếp nhận các trường hợp người bệnh Covid-19 nặng.
Sở Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị Covid-19 rà soát lại các nguồn lực (cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao…) để sẵn sàng tăng số giường hồi sức cấp cứu của mỗi đơn vị.
Cụ thể, 7 bệnh viện thuộc nhóm bệnh viện hồi sức chuyên sâu Covid-19 nặng gồm Bệnh viện Chợ Rẫy chuẩn bị 100 giường, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM 100 giường, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Phạm Ngọc Thạch 75 giường, Bệnh viện Covid-19 Trưng Vương 75 giường, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Thủ Đức 50 giường, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mỗi bệnh viện 20 giường.
Các bệnh viện điều trị cho nhóm bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng cũng nằm trong kế hoạch 500 giường hồi sức nặng. Trong đó Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi mỗi bệnh viện 20 giường, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Bình Chánh và Bệnh viện dã chiến Củ Chi mỗi bệnh viện 10 giường.
Sở Y tế yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp Hội Hồi sức cấp cứu TP.HCM tổ chức chương trình đào tạo liên tục, chuyên đề về hồi sức cấp cứu bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Giám đốc tất cả các bệnh viện có trách nhiệm tổ chức đào tạo và đào tạo lại kiến thức về phòng và kiểm soát lây nhiễm, các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, hồi sức tích cực… cho nhân viên y tế tùy theo vị trí công tác. Tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ phác đồ chẩn đoán và điều trị Covid-19 nhằm nâng cao chất lượng điều trị.
Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Y tế: chịu trách nhiệm phân bổ bổ sung các trang thiết bị hồi sức tích cực thiết yếu, ưu tiên máy thở, Xquang tại giường, hệ thống cung cấp oxy… cho các bệnh viện điều trị Covid-19 theo cơ số giường hồi sức tích cực. Hướng dẫn các đơn vị mua sắm trang thiết bị cấp cứu hồi sức phục vụ cho công tác điều trị và chăm sóc người bệnh Covid-19 nặng trong giai đoạn hiện nay. Có kế hoạch bổ sung số lượng giường bệnh và các dụng cụ, trang thiết bị thiết yếu cho các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19.
Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế lập kế hoạch luân phiên nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng) chuyên khoa hồi sức tích cực đến công tác tại các bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên tiếp nhận điều trị Covid-19, sẵn sàng nguồn nhân lực trong mọi tình huống.
Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế giám sát việc triển khai kế hoạch hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng theo kịch bản 500 trường hợp nặng, kiểm tra tuân thủ phác đồ chẩn đoán và điều trị Covid-19 tại các bệnh viện.