Tránh rủi ro giao dịch, áp lực bán dâng cao
Phiên giảm mạnh hôm nay không đến từ những tác động bên ngoài mà có lẽ là một phản ứng của nhà đầu tư trước rủi ro kẹt lệnh của hệ thống giao dịch
Phiên giảm mạnh hôm nay không đến từ những tác động bên ngoài mà có lẽ là một phản ứng của nhà đầu tư trước rủi ro kẹt lệnh của hệ thống giao dịch.
Hiện vẫn chưa rõ khi nào thì tình trạng chậm lệnh của sàn HSX sẽ được giải quyết, nhưng rủi ro mới xuất hiện là nhà đầu tư sẽ khó có thể thực hiện được lệnh một cách chính xác. Trong giao dịch, thời điểm ra quyết định là quan trọng và mặc định là điều kiện thị trường có khả năng thực thi quyết định đó. Thiếu một trong hai điều kiện nói trên đều dẫn đến thua thiệt.
Lúc này hệ thống giao dịch của sàn HSX không có khả năng thực thi lệnh một cách kịp thời. Lệnh mua bán bị treo tại công ty chứng khoán là chuyện bình thường. Chẳng hạn nếu nhà đầu tư xác định cắt lỗ ở một điểm giá nhất định thì ngay cả số liệu trên bảng điện cũng chưa chắc đúng vì có khả năng bị trễ. Có giá đó nhưng chưa chắc lệnh bán sẽ được đẩy vào hệ thống đúng thời điểm để khớp như mong muốn. Đây là dạng rủi ro chưa từng có.
Vì vậy nếu nhà đầu tư đang có lời quá nhiều muốn thu hồi lợi nhuận thì cũng là điều dễ hiểu, nhất là ở thời điểm gần hết năm. Lợi nhuận trên sổ sách chưa có gì là chắc chắn mà hoàn toàn có thể bị co lại nếu thị trường đảo chiều, lại thêm nguy cơ lệnh không vào được hệ thống.
Áp lực bán dâng cao hôm nay tạo nên một nhịp giảm rất sâu đầu ngày. VN-Index lao dốc xuống 1.046,89 điểm, giảm 2,97% so với tham chiếu. Từ đáy này, thị trường có cầu đẩy dần lên. Tuy nhiên đợt bắt đáy này cũng sớm kết thúc và từ 11h trở đi thị trường chỉ đi ngang. Chốt phiên VN-Index vẫn giảm 1,05% so với tham chiếu, hay 11,38 điểm.
Độ rộng của HSX rất kém với 89 mã tăng/366 mã giảm. Tới gần 220 cổ phiếu giảm quá 1% phiên này, số giảm trên 2% khoảng 145 mã. Mức điều chỉnh trên cổ phiếu là khá mạnh. Độ rộng rất hẹp cũng cho thấy quan điểm rất giống nhau đã xuất hiện, nhà đầu tư đồng loạt muốn thoát ra.
VN30-Index đóng cửa giảm 1,12% và chỉ có 2 mã tăng là SAB tăng 0,51% và VJC tăng 0,33%. VIC là trụ duy nhất tham chiếu, còn lại giảm mạnh bất kể là nhóm ngành nào.
Thanh khoản hôm nay vẫn rất cao với 15.951 tỷ đồng tổng giá trị và gần 14.437 tỷ đồng khớp lệnh. Mức giao dịch này cho thấy vẫn có rất nhiều lệnh được khớp thành công. Tuy nhiên nhà đầu tư đã tập trung giao dịch vào buổi sáng hoặc hệ thống đã bị kẹt lệnh trong buổi chiều. Không rõ lý do thực sự là gì, nhưng phiên sáng hai sàn đã khớp tới gần 13.473 tỷ đồng còn phiên chiều chỉ khớp xấp xỉ 964 tỷ đồng.
Do giao dịch không bình thường như vậy nên cũng không thể biết được tình trạng đi ngang kéo dài suốt cả phiên chiều nay thực sự phản ánh điều gì: Nhà đầu tư đã bán hết sạch cổ phiếu trong buổi sáng, hay lệnh bán không thể vào hệ thống hoàn toàn. Hoặc ngược lại, chiều nay thị trường không phục hồi tăng thêm được là do lệnh mua bị treo?
Điều duy nhất có thể xác định được là thanh khoản phiên sáng rất lớn và giá giảm rất mạnh. Thanh khoản tới trên 13.000 tỷ đồng chỉ trong buổi sáng là cao chưa từng thấy trong lịch sử. Sáng hôm qua giao dịch cũng rất tích cực nhưng cũng chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Riêng sàn HSX sáng nay khớp 12.340 tỷ đồng.
Một điều hiển nhiên là nếu hệ thống giao dịch không hoạt động thông suốt thì chiến lược giao dịch của nhà đầu tư có thể bị sai lệnh. Chẳng hạn nhà đầu tư dự tính chốt lời ở mức giá và thời gian nào đó, nhưng tại thời điểm đó lệnh không thể thực thi được. Đối với nhà đầu tư mua vào, cơ hội bị bỏ lỡ nhưng ít nhất còn chưa thua thiệt gì đo đếm được. Ngược lại, đối với người có cổ phiếu, việc không chốt lời đúng lúc, đúng giá được có khả năng ảnh hưởng rất nhiều. Ngay trong sáng nay, mức biến động giá là rất lớn và nếu lệnh bán bị treo thì rõ ràng nhà đầu tư phải chịu thiệt.
Diễn biến hôm nay cũng cho nhà đầu tư thấy ngưỡng mà hệ thống có thể bị nghẽn. Buổi sáng mức giao dịch khoảng 13.000 tỷ đồng thì buổi chiều hầu như không giao dịch được bao nhiêu. Đợt ATC càng kém nữa với chưa tới 30 tỷ đồng trên cả sàn. Điều này có thể dẫn tới mức độ tập trung giao dịch vào phiên sáng còn lớn hơn nữa trong các phiên tới.
Một câu hỏi lớn khác là liệu tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu? Chắc chắn không thể chờ việc nhà đầu tư giảm mua bán được. Dĩ nhiên việc kẹt lệnh quá thường xuyên cũng sẽ làm nản lòng nhiều người và từ bỏ thị trường, nhưng với quy mô ngày càng tăng số lượng nhà đầu tư thì rủi ro "đứng bảng" là rất cao. Trong tình huống này, bên chịu rủi ro hơn là những người cầm cổ phiếu vì nếu rơi vào cảnh đang lãi thành lỗ hay mất lãi không phải vì sai lầm bản thân mà vì hệ thống giao dịch thì đúng là điều khó tưởng tượng.