Triệt phá đường dây rửa tiền khoảng 2.000 tỷ đồng ở Lâm Đồng

Nguyệt Như
Chia sẻ

Nhóm đối tượng nằm trong đường dây tội phạm, hoạt động dưới sự chỉ đạo từ nước ngoài. Chúng đăng ký hàng chục tài khoản ngân hàng để luân chuyển tiền bất hợp pháp, chủ yếu phục vụ các hoạt động lừa đảo trực tuyến, đánh bạc qua mạng và buôn bán hàng cấm...

Tang vật tại hiện trường. Ảnh: Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Lâm Đồng.
Tang vật tại hiện trường. Ảnh: Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Lâm Đồng.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng, đơn vị vừa phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao triệt phá đường dây hoạt động rửa tiền quy mô lớn trên địa bàn TP Đà Lạt, bắt giữ 23 đối tượng với tổng số tiền giao dịch khoảng 2000 tỷ đồng.

Trước đó, từ đầu năm 2025, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng xác định nghi vấn về một nhóm đối tượng hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn phường 7. Nhóm này có khoảng 20 đối tượng đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, có hoạt động kín kẽ trong biệt thự, ít giao du tiếp xúc với những người xung quanh.

Tập trung xác minh, cơ quan Công an còn phát hiện các đối tượng có dấu hiệu hoạt động liên quan với các đối tượng ở Campuchia.

Xác định vụ việc có tính chất nghiêm trọng, Đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Đại tá Đinh Xuân Huy trực tiếp chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tổ chức thành nhiều mũi trinh sát bám theo dấu vết từng đối tượng, từng quan hệ xã hội và các giao dịch có liên quan.

Liên tiếp những ngày sau đó, từng tổ trinh sát dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được bố trí tại nơi các đối tượng hoạt động thuộc các địa bàn phường 7, phường 12 và phường 11 (TP Đà Lạt), vừa thâm nhập vào các hội nhóm chat trên môi trường mạng vừa tiến hành theo dõi các đầu mối dọc theo tuyến biên giới Campuchia để thu thập các chứng cứ có liên quan.

Thượng tá Đặng Văn Kiên, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết chúng tôi nhận thấy hoạt động của nhóm này rất tinh vi, các hoạt động diễn ra 100 % trên môi trường internet, các giao dịch, liên lạc được ngụy trang với hệ thống bảo mật cao.

Rạng sáng ngày 12/3, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát hình sự đã triển khai đội hình bao vây căn hộ tại trên đường Tự Tạo, phường 11. Để tránh đánh động các đối tượng, mọi kế hoạch được thực hiện trong bí mật tuyệt đối. Các mũi trinh sát chia thành nhiều hướng, phong tỏa mọi lối ra vào, sẵn sàng cho quá trình phá án.

Lực lượng chức năng đột kích vào bên trong căn hộ 2 tầng được trang bị hệ thống camera giám sát và cửa sắt kiên cố. Bên trong, 23 đối tượng đang say sưa trước màn hình máy tính, điện thoại thực hiện các giao dịch tài chính bất hợp pháp không kịp trở tay. Một số đối tượng định phi tang các dấu vết nhưng đã bị các trinh sát khóa chặt.

Tại hiện trường, cơ quan công an xác định có 2 máy tính xách tay,  gần 30 điện thoại thông minh, hàng chục thẻ ngân hàng và sim điện thoại các loại. Đặc biệt, lực lượng công an còn phát hiện nhiều ghi chép về quá trình giao dịch, phân công nhiệm vụ và trả công liên quan đến các dòng tiền giao dịch trị giá gần 2.000 tỷ đồng.

Qua đấu tranh ban đầu, cơ quan điều tra xác định nhóm đối tượng này là một phần của đường dây tội phạm, hoạt động dưới sự chỉ đạo từ nước ngoài. Chúng đăng ký hàng chục tài khoản ngân hàng để luân chuyển tiền bất hợp pháp, chủ yếu phục vụ các hoạt động lừa đảo trực tuyến, đánh bạc qua mạng và buôn bán hàng cấm. Tiền từ các hoạt động này sau đó được “rửa” qua nhiều lớp giao dịch để hợp thức hóa trước khi chuyển ra nước ngoài.

Đối tượng đóng vai trò mấu chốt được xác định là Phan Thị Bé (29 tuổi) và Lê Văn Điệp (27 tuổi) cùng quê Hà Tĩnh khai nhận đã đến Đà Lạt từ cuối năm 2024 để thiết lập “trạm trung chuyển” cho đường dây.

Với vỏ bọc là khách du lịch, Bé và Điệp đã tuyển thêm nhiều thanh niên đến từ nhiều tỉnh, rồi thuê nhiều căn hộ tại Đà Lạt nhằm tránh sự chú ý của cơ quan chức năng. “Chúng tôi chọn Đà Lạt vì nghĩ nơi đây có đông khách du lịch, ít bị để ý. Mọi giao dịch đều qua mạng, không cần gặp mặt trực tiếp”, Bé khai nhận.

Sau khi bắt giữ 23 đối tượng, Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục mở rộng điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để làm rõ toàn bộ mạng lưới tội phạm. Các đối tượng bị tạm giữ để điều tra về hành vi “Rửa tiền” theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con