Trung Quốc cam kết cung cấp 2 tỷ liều vaccine Covid-19 cho thế giới
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ tăng lượng vaccine Covid-19 xuất khẩu lên 2 tỷ liều trong năm nay, trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với tình trạng khan hiếm vaccine...
Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), tuyên bố này được ông Tập Cận Bình gửi tới một diễn đàn về hợp tác vaccine quốc tế do Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị chủ trì ngày 5/8.
Chủ tịch Trung Quốc cho biết nước này cũng dự định quyên góp 100 triệu USD cho cơ chế COVAX - sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh nhiều nước rơi vào tình trạng khan hiếm vaccine trầm trọng, làm chậm tốc độ tiêm chủng, đầu tuần này, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia phát triển chia sẻ nguồn vaccine của mình thay vì dùng để tiêm mũi tăng cường.
Ngày 6/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết lượng vaccine cam kết của ông Tập tăng đáng kể so tốc độ xuất khẩu hiện tại. Đến nay, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 770 triệu liều vaccine cho các nước trên thế giới.
Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tính đến nay, khoảng 39% số liều vaccine xuất khẩu của nước này được chuyển tới các quốc gia châu Á - tương đương hơn 300 triệu liều. Khoảng 30% được chuyển cho các nước Mỹ Latin, 21% tới Trung Đông và khoảng 2,3% tới châu Phi.
Tổng thống Joe Biden cũng đang tăng tốc cung ứng vaccine của Mỹ cho thế giới sau khi nước này bị cáo buộc tích trữ vaccine trong khi các quốc gia khác đang cần. Mỹ cam kết cung cấp gần 600 triệu liều vaccine thông qua cơ chế COVAX và trực tiếp cho các đối tác.
Ông Wang Xiaolong, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết các vấn đề trong khâu hậu cần khiến số lượng vaccine được chuyển cho châu Phi tương đối thấp.
“Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ cung cấp vaccine cho các quốc gia đang phát triển tại châu Phi và những khu vực khác”, ông Wang cho biết, đồng thời kêu gọi thêm nhiều nhà cung cấp nước này tham gia vào nỗ lực tiêm chủng toàn cầu.
Hiện tại, 3 loại vaccine do Trung Quốc sản xuất được sử dụng chủ yếu trên thế giới gồm CoronaVac của Sinovac BioTech, Vero Cell của Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc Sinopharm và Ad5-nCoV của công ty CanSino Biologics.
Trong đó, vaccine của Sinovac đã được cấp phép và sử dụng tại 38 quốc gia ngoài Trung Quốc. Còn vaccine của Sinopharm được tiêm tại 51 quốc gia. Trong khi đó, hiện có 7 quốc gia (ngoài Trung Quốc) đã cấp phép vaccine của Cansino.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng đang tăng tốc cung ứng vaccine của Mỹ cho thế giới sau khi nước này bị cáo buộc tích trữ vaccine trong khi các quốc gia khác đang cần. Nỗ lực này càng được đẩy mạnh khi nhu cầu đối với các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech SE và Moderna tăng cao. Mỹ cam kết cung cấp gần 600 triệu liều vaccine thông qua cơ chế COVAX và trực tiếp cho các đối tác.
Theo giới phân tích, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang thực hiện chiến lược ngoại giao vaccine nhằm xây dựng lại uy tín trên trường quốc tế sau những bước đi sai lầm ban đầu trong ứng phó với đại dịch.
Trung Quốc bị chỉ trích vì cách xử lý ban đầu khi dịch bệnh được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán. Điều này khiến quan điểm tiêu cực nhằm vào Trung Quốc tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu. Còn Mỹ hứng chỉ trích vì những động thái chủ quan ban đầu khiến nước này có tới 35 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 600.000 người tử vong.
Tuy nhiên, ông Wang Xiaolong nhấn mạnh rằng các nước không nên cạnh tranh với nhau trong việc cung ứng vaccine.
“Chúng ta đang ở trong một cuộc đua, nhưng không phải cuộc đua với nhau mà với thời gian. Đó là cuộc đua chống lại kẻ thù chung - chính là virus và đại dịch mà virus này gây ra”, ông Wang khẳng định.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Biden, Jake Sullivan, đầu tháng 6 khẳng định Mỹ không đòi hỏi bất cứ thứ gì từ các quốc gia mà nước này chia sẻ vaccine.
“Chúng tôi không tìm kiếm sự nhượng bộ. Chúng tôi cũng không áp đặt các điều kiện, như cách mà một số quốc gia khác đang làm khi cung cấp vaccine”, ông Sullivan nhấn mạnh tại một sự kiện trực tuyến. “Nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc đã tham gia vào cái gọi là ngoại giao vaccine. Chúng ta không nên để việc phân phối hay tiếp cận vaccine có liên quan tới vấn đề chính trị hay địa chính trị”.